Mỹ - Trung đang tiến đến cuộc 'ly hôn' ồn ào

TP - Giống như nhiều người Mỹ khác đang có xưởng ở Trung Quốc, Daniel Krassenstein cho biết ông sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này.
Cả thế giới dõi theo cuộc gặp của ông Trump và ông Tập tại Nhật Bản cuối tuần này Ảnh: Kyodo

Procon Pacific, công ty của Krassenstein, đang sản xuất 40% túi đựng công nghiệp, loại túi mà ông mô tả là có thể đựng tất cả mọi thứ, từ bột sữa đường đến hóa chất độc hại hay phân bón và xi măng ở Trung Quốc.

Vài năm trước, gần như tất cả sản phẩm của công ty ông được làm ở Trung Quốc, ban đầu ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Khi chi phí tăng, công ty chuyển một phần hoạt động lên tỉnh Sơn Đông ở miền Bắc, nơi ông phải trả ít chi phí thuê đất và nhân công hơn.

Sau đó chính phủ Trung Quốc bắt đầu đóng cửa những nhà máy bị cho là không tuân thủ quy định. Procon chuyển 50% hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và 10% sang Việt Nam. Những điều này không liên quan đến ông Trump hay chiến tranh thương mại, ông Krassenstein cho biết.
Các sản phẩm của công ty ông chịu 8,4% thuế nhập khẩu khi bán cho các công ty ở Mỹ, dù chúng được sản xuất ở đâu. Nhưng nếu ông Trump tăng 25% thuế lên lượng hàng trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc như lời đe dọa gần đây, mức thuế mà các sản phẩm của Procon Pacific phải chịu lên đến 33,4%.

“Chắc chắn chúng tôi phải chuyển hết nhà xưởng khỏi Trung Quốc”, ông nói với SCMP. Doanh nhân này cho rằng Mỹ có khả năng sẽ không tăng thuế lên lượng hàng Trung Quốc còn lại sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sắp tới. Nhưng về lâu dài, ông đánh giá các nhà sản xuất Mỹ ở Trung Quốc sẽ chỉ đi theo một hướng.

“Mối bận tâm là xu hướng trong 12 tháng tới, nhất là khi bước vào mùa bầu cử Mỹ và ông Trump sẽ chơi lá bài Trung Quốc để thu hút cử tri. Nói thẳng là tôi nghĩ có thể hai bên sẽ đồng ý đình chiến, nhưng tôi lo điều sẽ xảy ra trong mùa hè năm sau”, ông nói.

Không tránh khỏi

Sự dịch chuyển của Procon Pacific chỉ là một ví dụ đơn giản của xu hướng phân ly Mỹ - Trung. Xu hướng này có trước chiến tranh thương mại, và chuyện tăng thuế đóng vai trò như tên lửa đẩy. Giờ đây, điều bị coi như quan điểm bên lề về khía cạnh cực đoan của chính quyền Trump đã trở thành chủ đề chính đang được thảo luận.

Nhiều nhà quan sát về Trung Quốc tin rằng xu hướng Mỹ - Trung tách rời, ở chừng mực nào đó, là không tránh khỏi, bất kể kết quả cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ- Trung ở Nhật Bản lần này như thế nào.

“Tôi nghĩ ở chừng mực nào đó, điều này sẽ diễn ra. Giới kinh doanh ghét những thứ bất ổn, không muốn rơi vào xung đột chính trị mà muốn tìm một môi trường ổn định. Vì thế mọi người sẽ chuyển đi”, ông Jeff Moon, cựu trợ lý cho đại diện thương mại Mỹ về Trung Quốc dưới thời chính quyền Obama, đánh giá.

Dù hoạt động sản xuất ở cấp độ thấp và trung bình tương đối dễ chia, nhưng đã có những vực sâu và rào cản xuất hiện trên toàn bộ quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, cho thấy một cuộc chia ly quy mô toàn diện có thể đang diễn ra, ngay cả trong những ngành phức tạp.

Đầu tháng 6 này, nhóm thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, Bob Menendez, Tom Cotton và Kirsten Gillibrand trình một dự luật, nếu được thông qua, sẽ dẫn đến việc “tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc và nước ngoài đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ và loại bỏ những công ty không tuân thủ các quy định của Mỹ trong 3 năm”. Hàm ý của dự luật này là những công ty Trung Quốc không minh bạch sẽ không được tham gia các thị trường tài chính Mỹ, Reuters đưa tin.

Xu hướng chia tách trong đầu tư đã rất rõ ràng. Năm ngoái, hoạt động mua bán của Trung Quốc với các công ty Mỹ lao dốc 95% từ mức đỉnh điểm năm 2017, sau khi Quốc hội Mỹ trao quyền cho Ủy ban đầu tư nước ngoài mở rộng đánh giá hoạt động mua bán của các công ty Trung Quốc từ khía cạnh an ninh quốc gia.