Việt Nam được trao 2 giải thưởng trong triển lãm quốc tế lần thứ 16 tại Hàn Quốc:

Mỹ thuật Việt nên giao lưu nhiều hơn

TP - Trong triển lãm quốc tế lần thứ 16 tại Hàn Quốc cuối tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã được nhận hai giải thưởng rất vinh dự, một cho người tổ chức là Nhà sưu tập tranh Nguyễn Mạnh Phúc và một cho tác phẩm điêu khắc "Trái tim người mẹ" của Nguyễn Văn Chương.

Trở về từ Hàn Quốc chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Phúc về các giải thưởng và cuộc triển lãm này.

Thưa ông, lý do gì để ông được mời tổ chức cho những cuộc triển lãm như thế này mà không phải một hội đoàn nào của nhà nước?

Đây là triển lãm Hàn Quốc tổ chức 2-3 năm một lần. Đây cũng là lần thứ 3 Việt Nam có tranh tham dự. Lần này cũng đặc biệt hơn so với các lần trước là tranh Việt Nam không phải là do các họa sĩ Việt Nam gửi đến, mà 11 tác phẩm này là thuộc bộ sưu tập của tôi và ông Choi Chang Joon - người rất có tâm với nghệ thuật Việt Nam.

Mặc dầu ông Choi là người có một bộ sưu tập tranh khá lớn về các họa sĩ Đông Dương, nhưng lần triển lãm này ông lại chọn đưa ra các họa sĩ hiện đại như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương. Tôi thì đem theo tác phẩm Nguyễn Văn Cường, Tạ Thanh Tâm, Đinh Quân cùng điêu khắc của Nguyễn Văn Chương. Choi Chang Joon và tôi cũng có thể coi là những người bạn vong niên vậy. Triển lãm này do chính ông Choi đề nghị để tranh Việt Nam có thể được tham dự.

Hơn nữa, tôi cũng đã có một quá trình làm việc lâu năm với Hiệp hội này qua hai cuộc triển lãm quốc tế năm 1998 (nhân dịp kỷ niệm 30 năm Quốc khánh Hàn Quốc) năm 2002 (nhân dịp World Cup) tôi cũng là người đại diện phía Việt Nam để đưa các họa sĩ Việt sang triển lãm tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, tôi cũng là người đã tổ chức rất nhiều các cuộc triển lãm cho phía Hàn Quốc ở Việt Nam. Chính vì vậy mà ở triển lãm lần này họ đã trao cho tôi giải thưởng đặc biệt của hiệp hội dành cho những người có nhiều công lao trong việc thiết lập các quan hệ giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Đánh giá của ông về triển lãm này?

Trên tương quan chung, thì các tác phẩm của Việt Nam không hề thua kém các nước khác. Bên cạnh những tác phẩm đương đại, tôi thấy rằng Hàn Quốc cũng như các nước châu Á như Trung Quốc, Mông Cổ rất coi trọng nghệ thuật mang tính cổ điển. Mặc dầu ở họ cũng có những nghệ sĩ làm sắp đặt, trình diễn..., nhưng trong những cuộc triển lãm tầm quốc tế như thế này thường họ không bao giờ thiếu những tác phẩm quốc họa, như thủy mặc, thư pháp.

Trên những tác phẩm này tính chất cách tân rất ít nhưng nó phản ánh giá trị của văn hóa truyền thống đã bắt rễ sâu trong cuộc sống đương đại. Điều này khiến nghệ thuật truyền thống của họ vẫn rất phát triển trong xã hội hiện đại. Nghệ thuật giá vẽ cũng rất được coi trọng và thực hành một cách nghiêm cẩn.

Về mặt tổ chức, thì tôi cho rằng những triển lãm như thế này được Hàn Quốc rất chú trọng bởi nó không chỉ đơn thuần là tạo ra một sự kiện mà nó còn đem lại những cơ hội cho các nghệ sĩ của họ được giao lưu với các họa sĩ thế giới. Khi họ không thể đem họa sĩ của mình ra nước ngoài, thì bằng cách ngược lại là mời các họa sĩ nước ngoài về Hàn Quốc. Và bằng cách này họ đã tự tạo cho mình dịp để họ quảng bá văn hóa Hàn ra thế giới. Đây là điều Việt Nam chưa mấy làm được.

Tôi cũng tiếc rằng tham dự triển lãm lần này chỉ có tôi với tác giả Văn Chương- người nhận được giải nhất về điêu khắc được sang tham dự, do kinh phí của chúng ta quá eo hẹp, trong khi đoàn của các nước khác lại khá đông.

Trái tim người mẹ (đồng) Nguyễn Văn Chương

Ông có thể nói gì về giải thưởng của mình và của tác giả Văn Chương?

Về phần tôi, tôi nghĩ rằng đây là một giải thưởng mang tính chất danh dự. Tôi vốn là một nhà sưu tập mỹ thuật Việt Nam, bắt đầu từ năm 1997 thì gần như tôi không mua bán sưu tập nữa mà chuyển sang làm giao lưu văn hóa bởi nghĩ rằng mình sưu tập trao đổi mua bán chỉ là cá nhân, còn tổ chức các cuộc triển lãm giao lưu văn hóa thì mỹ thuật Việt Nam có thể được biết đến nhiều hơn. Tôi cũng không nghĩ đến có ngày mình lại được nhận giải thưởng này, nhưng cảm thấy rất hãnh diện vì làm giao lưu vốn là một cái thú riêng của mình nhưng lại được người ta ghi nhận.

Còn về tác phẩm của Văn Chương, tôi cho rằng họ đã ít nhiều dành sự ưu ái cho Việt Nam, nhưng bên cạnh đó tôi cũng nghĩ do họ trọng tính cổ điển của nghệ thuật hơn nên tác phẩm này đã được họ đánh giá cao. Tác phẩm của Văn Chương vừa đạt được vẻ đẹp cổ điển nhưng đồng thời cách xử lý khối của anh cũng rất hiện đại. "Trái tim người mẹ" của Văn Chương đã làm người ta phải rung động vì tình mẫu tử và vẻ đẹp giản dị của nó.

Ông có dự định gì sau triển lãm này?

Tôi đang lên kế hoạch tổ chức một trại điêu khắc quốc tế vào cuối năm nay ở Việt Trì. Tôi cũng đã mời được một số tác giả từ Mỹ, Nauy… rất may trong dịp này sang tôi có nữ điêu khắc Hàn Quốc là Shin Eun Sook, cô này có cái nhìn về điêu khắc rất đặc biệt.

Tôi đã mời chị sang tham dự trại sáng tác này. Vào cuối năm nay tôi cũng sẽ tổ chức một triển lãm cho nữ họa sĩ Kim Shun Hoe và ông Kim Jung Teak, chủ tịch hiệp hội giao lưu mỹ thuật quốc tế của Hàn Quốc. Ông này còn là một nhà thư pháp trên gỗ rất điêu luyện. Trong chuyến đi vừa rồi ông ấy cũng tặng tôi một tác phẩm. Tôi nghĩ rằng ở ta rất cần có những cuộc triển lãm giao lưu trao đổi kiểu này để chúng ta có thể có điều kiện hơn nữa để học hỏi từ các nghệ sĩ quốc tế.

Cảm ơn ông.

Trang Thanh Hiền
(thực hiện)