Mỹ tấn công Syria, đòn gió với Triều Tiên?

TP - Liệu việc Mỹ dội tên lửa vào các mục tiêu ở Syria sau cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học gần đây có tác động đến cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới?
Đợt tấn công của Mỹ vào Syria vừa qua được cho là cách Tổng thống Donald Trump đánh tín hiệu đến Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Ảnh: Daily Star.

Đó là vấn đề rất phức tạp. Nhưng điều chắc chắn là: đợt tấn công vừa qua sẽ là lời nhắc nhở cứng rắn đối với Triều Tiên về chiến dịch can thiệp do Mỹ đứng đầu ở Libya năm 2011 mang lại kết thúc thê thảm cho nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Phi, nhiều nhà phân tích nhận định.

Đợt tấn công phối hợp của Mỹ với hai đồng minh Anh và Pháp vào thứ Sáu tuần qua là chiến dịch tấn công quân sự lần thứ hai của chính quyền Trump nhằm vào Damascus sau khi Nhà Trắng ra lệnh tấn công một căn cứ không quân của Syria vào năm ngoái cũng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

“Cả hai đợt tấn công Syria trong tuần qua và năm ngoái là để chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng tấn công bất kỳ ai”, ông Van Jackson, một chuyên gia về Triều Tiên và là cựu cố vấn chính sách của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đánh giá. “Chúng tôi chưa từng làm điều này đối với nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu Nga làm điều đó, chúng tôi sẽ gửi họ bức thư với lời lẽ quyết liệt, nhưng không phải tên lửa hành trình”, báo Japan Times dẫn lời ông Jackson.

Bảo vệ giới hạn đỏ

Ông Jackson cho rằng Mỹ hy vọng kiểu tấn công quân sự như vậy có thể giúp chuyển tải thông điệp quyết liệt rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ giới hạn đỏ nói chung, và cụ thể là chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của đợt tấn công. “Tôi nghĩ chính quyền Mỹ có thể muốn Triều Tiên hiểu rằng đợt tấn công Syria cho thấy Mỹ đã thực hiện cam kết của mình. Mỹ vạch ra giới hạn đỏ về sử dụng vũ khí hóa học và Mỹ bảo vệ giới hạn đó. Vấn đề là Triều Tiên sẽ không lý giải hành động của Mỹ theo như cách Mỹ muốn”, ông Jackson nói. Chuyên gia này nói rằng đối với nhà lãnh đạo Kim, đợt tấn công khẳng định một niềm tin lâu nay rằng vũ khí hạt nhân là mọi thứ ông ấy cần để bảo vệ mình và chế độ.

“Ông Kim Jong-un nhìn vào đợt tấn công Syria và chỉ có thể kết luận rằng thứ khác nhau duy nhất giữa ông ấy và các nhà độc tài Trung Đông là vũ khí hạt nhân. Không có vũ khí hạt nhân, ông ấy sẽ bị đối xử như Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cố Tổng thống Libya Moammar Gadhafi và cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein”, ông Jackson nói. Chuyên gia này cho rằng Bình Nhưỡng từ lâu đã rút ra kết luận rằng logic của sức mạnh là thứ giúp họ an toàn và “vũ khí hạt nhân là thứ bảo đảm cuối cùng”.

Ông Kim tuyên bố vào tháng 11 năm ngoái rằng Triều Tiên đã “hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử lớn lao khi trở thành một nhà nước hạt nhân” với cuộc thử nghiệm một tên lửa tầm xa mà các chuyên gia đánh giá là đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn, và một số chuyên gia cho rằng điều này hạn chế những lựa chọn mà Mỹ có thể làm với Triều Tiên. Đánh giá của ông Jackson về ông Kim và kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tương tự quan điểm của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats, rằng Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân của họ là “cơ sở của sinh tồn”.

Triều Tiên luôn nói rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ khiến họ phải phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, từng nói hàm ý rằng những hậu quả thảm khốc cho các nước từ bỏ giữa chừng chương trình hạt nhân xảy ra với Libya và Gadhafi. Năm 2003, ông Gadhafi đồng ý giảm chương trình hạt nhân đã triển khai được mấy chục năm. Đổi lại, Mỹ và các đồng minh sẽ gỡ bỏ trừng phạt kinh tế và cam kết không tìm cách cô lập Libya nữa. Ông Gadhafi được chào đón trở lại cộng đồng quốc tế sau khi từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhà lãnh đạo này tin rằng, với việc từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông sẽ có được tấm khiên để bảo vệ mình trước kết cục thê thảm như ông Hussein.

“Chính quyền hiện nay của Triều Tiên rất hiểu tình hình Libya, chuyện Libya từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc được chào đón trở lại cộng đồng quốc tế, rồi sau đó Mỹ hậu thuẫn các hoạt động lật đổ chế độ”, ông Rodger Baker, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược của hãng thông tin tình báo toàn cầu Stratfor, đánh giá.

Thiếu cơ sở lòng tin

Giờ đây, khi cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Trump dự kiến diễn ra vào tháng Năm hoặc tháng Sáu, đợt tấn công vừa rồi của Mỹ vào Syria được kỳ vọng sẽ tạo sức nặng tương tự lên nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Đợt tấn công Syria sẽ nhắc nhở Triều Tiên rằng Mỹ sẵn sàng tấn công kiểu như vậy và Mỹ cũng sẵn sàng tấn công để trừng phạt hành động sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Baker nói.

Liệu Triều Tiên có thực sự sẵn sàng từ bỏ cái họ gọi là “gươm báu hạt nhân”, dù họ đã nói với Mỹ rằng sẽ sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại thượng đỉnh lần này? Theo những người đã gặp ông Kim, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng, để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, ông sẽ yêu cầu Mỹ khẳng định không tấn công hay xâm lược Triều Tiên, sẽ cung cấp sự bảo đảm an ninh và tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Cuối tuần qua, nhật báo Hàn Quốc The Hankyoreh dẫn nhiều nguồn tin giấu tên ở Washington nói rằng, để đối lấy phi hạt nhân hóa, Triều Tiên đã đề nghị Mỹ chuyển các hệ thống vũ khí hạt nhân và chiến lược ra khỏi Hàn Quốc, dừng triển khai vũ khí hạt nhân và chiến lược trong các hoạt động tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc, bảo đảm sẽ không tấn công hạt nhân hoặc tấn công truyền thống, chuyển hiệp định đình chiến thành hiệp định hòa bình và bình thường hóa quan hệ.

Về phần mình, Triều Tiên cũng phải đối diện với nghi ngờ rằng liệu họ có cam kết thực hiện thỏa thuận nếu đạt được với Mỹ, vì trước đây nước này từng bị cáo buộc vi phạm các thỏa thuận liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa. Những câu hỏi về sự tin cậy và lòng tin đối với cả hai phía vẫn tồn tại khi cuộc gặp thượng đỉnh đang đến gần.

“Có rất ít cơ sở cho lòng tin ở cả Bình Nhưỡng và Washington. Cả hai phía đều nhìn nhau như kẻ làm hỏng các thỏa thuận trước đây, và không bên nào tin rằng họ có thể tin hoàn toàn bất kỳ sự bảo đảm nào từ phía bên kia. Bất kỳ sự thu xếp nào giữa hai bên sẽ vẫn tồn tại ngờ vực, nhưng đó là một quyết định chính trị - ngờ vực đến mức nào là có thể chấp nhận được, nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu lớn hơn”, ông Baker nói.