Hệ lụy khôn lường
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế như Hiệp định TPP, Hiệp định NAFTA, Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, Tổ chức UNESCO, Thỏa thuận hạt nhân Iran, và tiếp tục dọa sẽ rút khỏi các thỏa thuận khác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Đằng sau các quyết định này là cả một loạt các tính toán của Mỹ, đồng thời phản ánh rõ nét chiến lược mà ông Donald Trump theo đuổi bấy lâu nay đó là “Nước Mỹ trên hết”.
Biện hộ cho các quyền định của Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng, những người trả thuế tại nước Mỹ không thể tiếp tục trả cho các chính sách luôn mang tính chất thù địch với Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục cân nhắc các tổ chức khác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang "đánh bạc" uy tín ngoại giao của nước Mỹ thông qua việc rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế. Điều này sẽ càng khiến cho chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có nguy cơ biến thành chính sách "Nước Mỹ cô độc" khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Mỹ nổi lên như một cường quốc không thể thiếu được trên vũ đài quốc tế một phần nhờ vai trò lãnh đạo của nước này trong hệ thống các hiệp ước và liên minh dựa trên các quy tắc toàn cầu.
Tuy nhiên, sau khi rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế, nước Mỹ dưới thời Trump dường như đang đi theo tiêu chí luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên các cam kết quốc tế. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường với các cam kết quốc tế do chính Mỹ khởi xướng. Đúng như lời ông Trump đã tuyên bố thẳng thừng trong một bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng trước, ông chỉ coi Mỹ là cường quốc hùng mạnh nhất trong một mạng lưới các quốc gia có chủ quyền trên thế giới hiện nay.
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một tổ chức khá có ảnh hưởng - châm biếm: "Chính sách đối ngoại của Trump đã xác định được chủ đề: 'Học thuyết Rút lui". Trump vẫn chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù ông tuyên bố sẵn sàng làm như vậy nếu Quốc hội và các đồng minh còn hoài nghi của Mỹ không nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran.
Tuần qua, Mỹ khỏi Tổ chức UNESCO. Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP và dường như có ý định phá hủy một hiệp ước lớn hơn, đó là NAFTA. Ông cũng liên tục đề nghị đánh giá lại sự cần thiết của việc duy trì các cơ quan của Liên hợp quốc. Ông thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định lớn nhất - và cũng được cho là quan trọng nhất - trong lịch sử thế giới, đó là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu gồm 196 thành viên.
Trong khi đó, cựu cố vấn cao cấp của nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ben Rhodes nói rằng: “Một lần nữa, Trump đang khiến mọi người đặt câu hỏi về khả năng duy trì cam kết của Mỹ đối với các hiệp định quốc tế. Các quốc gia khác sẽ không mong muốn ký kết thỏa thuận với Mỹ nữa”.
Cựu Ngoại trưởng John Kerry, kiến trúc sư chủ chốt của thỏa thuận hạt nhân Iran, nói: “Ông Trump đã làm suy yếu vị thế của chúng ta, cô lập chúng ta với các đồng minh, tiếp sức cho các nhân vật bảo thủ Iran, khiến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên khó khăn hơn và có nguy cơ đẩy chúng ta tới gần hơn tới cuộc xung đột quân sự”.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Tehran, nói rằng động thái của ông Trump sẽ làm tổn hại lâu dài tới sự tín nhiệm của Mỹ. Phát biểu với hãng CBS News, ông Zarif nói: “Không một ai sẽ tin tưởng vào bất kỳ chính quyền Mỹ nào nữa trong các cuộc đàm phán dài hạn bởi từ nay, thời gian cam kết của chính quyền Mỹ sẽ chỉ là thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của một tổng tống đó”.
Việc Mỹ rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế được cho là thể hiện mối hoài nghi của Tổng thống Donald Trump về việc chính quyền Washington có hay không cần thiết phải tiếp tục tham gia các cơ quan đa chiều.