Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập lại quan hệ, hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng Washington nói các cuộc đàm phán ở Alaska sẽ là lần duy nhất và bất kỳ sự can dự nào trong tương lai đều phụ thuộc vào việc Trung Quốc cải thiện hành vi của mình.
“Chúng tôi trông đợi cơ hội thể hiện rất rõ ràng với Trung Quốc lo ngại của chúng tôi về những hành vi họ đang thực hiện”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 17/3 tại Tokyo, theo Reuters.
Ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì và ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska, sau chuyến thăm các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Tại Tokyo hôm 16/3, ông Blinken cam kết sẽ đẩy lùi “sự ép buộc và gây hấn” của Bắc Kinh, bao gồm cả các yêu sách lãnh thổ mở rộng của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sự kiện ở Anchorage, Alaska là cuộc trao đổi trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái, khi người tiền nhiệm của ông Blinken là Mike Pompeo có cuộc gặp lạnh nhạt với ông Dương ở Hawaii, có thể sẽ không mang lại kết quả gì cụ thể.
Do các hạn chế liên quan đến COVID-19, không có kế hoạch cho bữa ăn chung, vốn là một đầu mục trong chương trình của các cuộc gặp gần đây. Và có những dấu hiệu cho thấy hai bên có kỳ vọng khác nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi cuộc hội đàm này là “đối thoại chiến lược cấp cao”.
Trung Quốc hy vọng cuộc gặp sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ rộng rãi cho việc nối lại cam kết, thay vì giải quyết các vấn đề cụ thể, một nguồn tin ở Bắc Kinh nói với Reuters.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói tại một cuộc họp báo rằng Washington sẽ xem xét “hành động chứ không phải lời nói” nếu Bắc Kinh muốn đổi tông mối quan hệ song phương.
Ít nhất là trên lý thuyết, bối cảnh quan hệ song phương đã thay đổi đối với Bắc Kinh kể từ thời Tổng thống Donald Trump với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”. Tổng thống Biden đã cam kết khôi phục liên minh của Mỹ, và các đối tác của họ dường như sẵn sàng thực hiện việc này.
Hiệp đấu quyền Anh
Evan Medeiros, một chuyên gia về châu Á trong chính quyền Barack Obama, hiện đang giảng dạy tại Đại học Georgetown, gọi cuộc đàm phán ở Alaska là “hiệp đầu tiên của một trận đấu quyền Anh” không có khả năng giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào, nhưng có thể giảm nguy cơ tính toán sai lầm trong tương lai giữa các đối thủ .
Ông Medeiros nói: “Tôi nghĩ rằng, cả hai bên chủ yếu sẽ bày tỏ những bất bình đối với bên kia”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với phóng viên hồi tuần trước rằng, ông không mong đợi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của ông Trump, hoặc các chi tiết về thuế quan hoặc kiểm soát xuất khẩu, sẽ là chủ đề chính ở Alaska. Ông Sullivan nói Mỹ sẽ sử dụng cuộc họp để truyền đạt cho Trung Quốc ý định chiến lược và mối quan tâm của họ đối với hành động của Trung Quốc, bao gồm vấn đề Hong Kong, Tân Cương, căng thẳng qua eo biển Đài Loan, cưỡng bức kinh tế đối với Úc và quấy rối trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản xung quanh các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là những lĩnh vực mà Bắc Kinh nói rằng Washington không nên can thiệp.
Các quan chức Mỹ nói điều quan trọng đối với họ là cuộc tiếp xúc diễn ra tại Mỹ, với Alaska là một biểu tượng cho sức mạnh lâu dài ở Thái Bình Dương của họ.
Đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đầy một năm ông Dương bay đến đất Mỹ. Bất chấp cử chỉ này, được các nhà quan sát Trung Quốc coi là dấu hiệu thiện chí của Bắc Kinh, dường như cả hai bên đều có rất ít hy vọng về những bước đột phá.
“Ngay cả khi có một số hợp tác ban đầu về những vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu, tác động tích cực của điều đó là không đáng kể khi đối mặt với các mối quan hệ cạnh tranh và đối đầu trên mọi mặt trận”, giáo sư Thời An Hoằng tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói.
Một tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc liên kết với đài truyền hình nhà nước bình luận rằng cuộc hội đàm Alaska như một nỗ lực “gặp nhau nửa đường”. Tờ China Daily gọi cuộc họp là một “sự phát triển đáng hoan nghênh” làm sống lại hy vọng về sự hợp tác, nhưng cảnh báo rằng “một ngày nói chuyện là không đủ”.