Tiết lộ sáng kiến này trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 30/10, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết, Washington sẽ xem xét rộng hơn cách hỗ trợ để giúp Nhật Bản bù đắp thiệt hại từ lệnh cấm mà ông gọi là một phần của “chiến tranh kinh tế”.
Vốn là nước nhập khẩu nhiều nhất hải sản Nhật Bản, Trung Quốc áp lệnh cấm từ tháng 8 với lý do lo ngại an toàn thực phẩm.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc ủng hộ việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima xuống biển.
Ngày 29/10, các bộ trưởng thương mại G7 kêu gọi ngay lập tức thu hồi lệnh cấm hải sản Nhật Bản.
“Đó là một hợp đồng dài hạn giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và các đơn vị đánh bắt ở Nhật Bản”, Đại sứ Emanuel cho biết.
“Cách tốt nhất mà chúng tôi chứng tỏ trong mọi trường hợp đối phó với sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc là hỗ trợ và giúp đỡ quốc gia hoặc ngành công nghiệp trở thành đích ngắm”, ông nói.
Đợt mua đầu tiên là 1 tấn sò điệp, một phần rất nhỏ so với 100.000 tấn sò điệp mà Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục năm ngoái.
Đại sứ Emanuel cho biết, số sò này được dùng để phục vụ binh lính và bán trong các cửa hàng, nhà hàng trong căn cứ quân sự, và số lượng sẽ tăng dần lên. Lực lượng đồn trú Mỹ trước đây không mua hải sản địa phương ở Nhật Bản, ông cho biết.
Đại sứ Emanuel, người từng là chánh văn phòng Nhà Trắng thời chính quyền Barack Obama, đưa ra hàng loạt chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong những tháng gần đây, trong những vấn đề về chính sách kinh tế, cách ra quyết định và đối xử với doanh nghiệp nước ngoài.