Mỹ khó đánh bại IS bằng lực lượng đặc nhiệm

Lầu Năm Góc điều một đội lính đặc nhiệm tới Trung Đông để chống IS, song các chuyên gia quân sự cho rằng họ khó có thể xoay chuyển cục diện trên chiến trường
Lực lượng lính đặc nhiệm không thể mang lại chiến thắng trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Ảnh: ​Getty

Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ điều động thêm tối đa 50 lính đặc nhiệm hỗ trợ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đánh dấu bước ngoặt của quân đội Mỹ trong chiến dịch tiêu diệt phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, đây lại không phải quyết định quá quan trọng, CNN đưa tin.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, đối sách hiện tại của ông đối với IS đang phát huy tác dụng và vụ thảm sát khiến 130 người chết ở Paris là một “sơ suất”.

Theo Obama, đà bành trướng của IS đang chững lại dù chúng nhận trách nhiệm cài bom trên máy bay của Nga tại Ai Cập, đánh bom khiến hàng chục người thiệt mạng tại Beirut và hàng loạt vụ tấn công khác trên toàn cầu.

Trái với quan điểm của Tổng thống Obama, các cố vấn quân sự lại cho rằng điều động lính đặc nhiệm Mỹ tới Iraq và Syria không phải là giải pháp toàn diện. Liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích IS trong suốt hơn một năm nhưng dư luận lại chứng kiến những thảm kịch đẫm máu nhất do ISIS gây ra trong 3 tuần qua.

Dưới thời tướng Stanley McChristal, người chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ giữa những năm 2000, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã phát triển một hệ thống thu thập thông tin tình báo siêu tốc. Lực lượng này xuất kích lúc chiều tối và hoạt động xuyên đêm. Họ tấn công từng ngôi nhà, thu thập và phân tích dữ liệu để phục vụ cho các cuộc tấn công tiếp theo.

Mỹ tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo với sự đồng thuận và hỗ trợ của chính phủ Iraq. Mỹ có ưu thế vượt trội trong không chiến, và nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân địa phương. Người dân Iraq sẵn sàng hỗ trợ họ trên nhiều phương diện, bao gồm sơ tán thương binh khi trường hợp xấu xảy ra.

Nhưng tình hình ở Syria lại khác. Chính quyền Bashar al-Assad không ủng hộ bất kỳ nước nào can thiệp quân sự vào lãnh thổ của họ, trừ Nga và Iran. Chính vì vậy, Mỹ không thể nắm quyền kiểm soát cuộc chiến trên không ở Syria.

Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố lính đặc nhiệm của họ chỉ được huy động với mục đích cố vấn và huấn luyện lực lượng người Arab ở Syria, người Kurd và các tổ chức khác chống IS. Biệt kích Mỹ chỉ thực hiện những vụ tấn công các mục tiêu quan trọng, có giá trị cao ở Iraq và Syria. Ngoài ra, họ chịu trách nhiệm đào tạo, nâng cao khả năng chiến đấu của các nhóm chiến binh địa phương. Họ cũng có thể đảm trách vai trò kiểm soát và phát động các đợt tấn công IS từ xa.

Song Nhà Trắng vẫn cần cân nhắc về tính hiệu quả của chiến dịch. Những cuộc không kích vào IS trong hơn một năm qua khiến phiến quân Hồi giáo có xu hướng mở rộng các cuộc tấn công ra phạm vi bên ngoài khu vực Trung Đông.

Thành công về chiến thuật - như chiếm lại các khu dầu mỏ của ISIS hay cam kết thực hiện các vụ không kích - không thể giúp Washington diệt IS một cách trọn vẹn nếu họ không có một kế hoạch toàn diện. Một số lượng lính đặc nhiệm rất nhỏ có thể mang lại lợi thế lớn nhưng đó không thể là một sách lược thành công. Tương tự như các cuộc không kích, lực lượng đặc nhiệm là những công cụ để thực thi chiến thuật, chứ không phải là một chiến lược.

Theo Theo Zing