Mỹ cùng lúc điều 3 loại máy bay ném bom chiến lược đến châu Á

TP - Trong một bước đi rõ ràng nhằm tái bảo đảm với các đồng minh châu Á và gửi tín hiệu đến các đối thủ, Mỹ lần đầu tiên cùng đưa 3 loại máy bay chiến lược của Không quân Mỹ gồm B-1, B-2 và B-52 đến Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer bay trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Air Force.

Đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam từ hôm 6/8, các máy bay B-1 sẽ thay thế đội máy bay B-52 để hỗ trợ nhiệm vụ hiện diện thường xuyên các máy bay ném bom trên Thái Bình Dương mà Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đang thực hiện. Việc luân chuyển này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8, khi đội máy bay B-1 trở lại đảo Guam lần đầu tiên kể từ tháng 4/2006.

Bên cạnh đó, 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 cũng được điều đến Guam để thực hiện nhiệm vụ “triển khai năng lực răn đe và bảo đảm”, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thông báo trên trang web. Thông báo nói rằng, việc triển khai cả B-1 và B-2 “là một phần của lịch sử duy trì hiện diện liên tục các máy bay ném bom ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nhằm bảo đảm ổn định và bảo đảm cho các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực”.

“Đây là lần đầu tiên các máy bay B-52, B-1 và B-2 hoạt động đồng thời trên khu vực của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động phối hợp”, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James tuần trước viết trên Twitter.

 “Hoàn cảnh đặc biệt này tạo ra cơ hội đáng giá để các đội máy bay chiến đấu của chúng tôi phối hợp và huấn luyện cùng nhau, cũng như với các đối tác và đồng minh trong khu vực trong nhiều nhiệm vụ”, Reuters dẫn lời bà Lee viết trên một thông báo khác đăng trên Facebook.

Máy bay B-2 Spirit của Không quân Mỹ bay trên Thái Bình Dương. Ảnh: Getty Images.

Bước đi này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng tên lửa Rodong rơi trúng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hôm 3/8. Với tầm xa 1.300km, tên lửa Rodong có thể vươn tới phần lớn lãnh thổ Nhật Bản. Ngày 22/8, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đợt tập trận thường niên mang tên Người bảo vệ tự do Uichi. Đợt tập trận năm ngoái giữa hai nước có sự tham gia của 30.000 lính Mỹ và 50.000 lính Hàn. 

Theo giới quan sát, bước đi của Mỹ cũng có vẻ nhằm vào Trung Quốc, khi Bắc Kinh vừa đưa các máy bay ném bom chiến lược H-6K ra lượn lờ trên bãi cạn Scarborough trên biển Đông vào thời điểm Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ra phán quyết.

Nhật phát triển tên lửa đối phó Trung Quốc

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản vừa chấp thuận kế hoạch phát triển loại tên lửa đất đối biển với tầm xa 300km để bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, báo chí Nhật Bản hôm qua đưa tin.

Chi phí phát triển loại tên lửa này sẽ nằm trong khoản ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2018, nhật báo Yomiuri Shimbun đưa tin. Báo này cũng nói rằng, chính phủ đặt mục tiêu triển khai loại tên lửa này vào khoảng tháng 3/2024.

Gần đây, Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Tokyo ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần 300 tàu đánh cá và hơn chục tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển quanh quần đảo này. Bất kỳ leo thang nào trong tranh chấp kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đối với nhóm đảo nhỏ này cũng gây nguy cơ xung đột quân sự bất ngờ, các nhà phân tích nhận định. 

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào tháng sau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ gặp nhau nhân dịp này.

Cuối tuần qua, một nguồn tin của chính phủ Nhật Bản nói rằng, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vài lần tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư kể từ cuối tháng 5, trong đó có những máy bay đi vào không phận 50km quanh quần đảo tranh chấp.

 Nguồn tin nói rằng, các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã có hành động đáp trả vì hoạt động của máy bay Trung Quốc là bất thường.  Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, các máy bay Nhật Bản ngăn cản máy bay Trung Quốc áp sát không phận 199 lần, phá vỡ mức kỷ lục 198 lần trong giai đoạn 3 tháng trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố.