Mỹ chú ý hơn tới chiến tranh điện tử

TPO - Sau 1/4 thập kỷ ngó lơ sau Chiến tranh Lạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây lại để ý tới nghệ thuật phát hiện, phá hoại và đánh lừa radar, radio đối phương.
Lục quân Mỹ đang sản xuất xe chiến tranh điện tử (EWTV) để thử nghiệm chiến thuật và công nghệ mới. Ảnh: US Army.

Tuy nhiên, trận chiến giữa các electron là vô hình theo đúng nghĩa đen và thường dính dáng chính trị, nên chiến tranh điện tử phải đấu tranh để thu hút sự chú ý và phân bổ nguồn lực trong bối cảnh Mỹ rất quan tâm vấn đề phòng thủ tên lửa, tên lửa siêu thanh, sẵn sàng chiến đấu, máy bay chiến đấu, tàu ngầm hạt nhân…, tạp chí Mỹ Breaking Defense đưa tin.

Yếu tố Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cần phải duy trì sự tập trung vào phổ điện từ. Phổ điện từ cùng với không gian vũ trụ và không gian ảo (mạng máy tính) là ba lĩnh vực mà các tư lệnh ngành sẽ tìm thấy thông tin cần thiết để chiến thắng các trận chiến trong tương lai.

Thấy rõ xu hướng này, năm 2015, Trung Quốc đã trang bị lại cho quân đội nước này để kết hợp các đơn vị chiến tranh điện tử, mạng máy tính và không gian vũ trụ dưới một bộ chỉ huy thống nhất với nhiệm vụ trọng tâm là chiến thắng trong cuộc đua thông tin.

Binh sĩ chiến tranh điện tử lắp đặt ăng-ten trong cuộc diễn tập ở Trung tâm Huấn luyện quốc gia ở bang California, Mỹ. Ảnh: US Army.

Theo các nhà quan sát, một số nước, trong đó có Trung Quốc sẵn sàng hack hệ thống, làm nghẽn thông tin liên lạc, thậm chí thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh. Đây là ba lĩnh vực nằm trong vùng hoạt động của cuộc đua giữa các cường quốc và được gọi là xung đột “vùng xám”, dù không có đạn bay hay người ngã xuống. 

Nếu quân đội Mỹ muốn đầu tư thích đáng cho ba lĩnh vực này trong bối cảnh ngân sách giữ nguyên hoặc giảm xuống thì họ sẽ cần giảm chi tiêu vào các loại sức mạnh quân sự truyền thống.

Xây dựng học thuyết 

Ở Mỹ, đã có những dấu hiệu thực sự về sự phục hưng của chiến tranh điện tử. Từ đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng công bố chiến lược mới về chiến tranh điện tử, Không quân nghiên cứu nhu cầu về chiến tranh điện tử trong tương lai, quản lý chiến trường điện từ (EMBM) trở thành một ưu tiên hoạt động hỗn hợp, Hải quân tăng cường huấn luyện về chiến tranh điện tử, Lục quân và Thủy quân lục chiến bắt đầu xây dựng lại hệ thống cấp bậc về chiến tranh điện tử.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cân nhắc thành lập phổ điện từ với tư cách là một lãnh địa chiến đấu giống như trên không, trên đất liền, trong không gian vũ trụ, trên biển và trong không gian ảo.

Máy bay chiến tranh điện tử EC-130 Compass Call. Ảnh: Lockheed Martin.

Giờ đây, Mỹ phải biến các chiến chiến lược và ý tưởng mới thành học thuyết, các yêu cầu và hệ thống cụ thể trong lĩnh vực chiến tranh điện tử. Mỹ sẽ phải chuyển đổi năng lực và khái niệm chiến đấu truyền thống sang các cách thức, phương tiện mới tận dụng được lợi thế của Mỹ trong hoạt động phổ điện từ và nhắm vào các điểm yếu của đối phương.

Theo các nhà quan sát, vấn đề khó khăn hiện nay là ngân sách quốc phòng đứng yên, trong khi chi phí duy trì hoạt động quân sự tăng lên. Ít có khả năng Lầu Năm Góc nhận được thêm ngân sách để cải thiện năng lực chiến tranh điện tử, không gian vũ trụ và không gian mạng. Hiện nay, Mỹ chú ý nhiều hơn đến Bộ chỉ huy Không gian mạng và Lực lượng Không gian vũ trụ.

Chọn chất hay lượng?

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa nâng cao khả năng (công nghệ, huấn luyện và tổ chức để thực hiện những nhiệm vụ mới) và duy trì quy mô (số lượng nhân sự, tàu, máy bay, xe cộ cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ trên quy mô lớn).

Công nghệ mới trong lĩnh vực như trí thông tin nhân tạo, hoạt động không gian mạng, vũ khí siêu thanh, năng lượng định hướng, robotics (người máy)… có thể cho phép thực hiện các hoạt động quy mô nhỏ một cách ngắn gọn, có cường độ và mức độ phá hủy cao.

Thiết bị gây nhiễu thông tin liên lạc thế hệ mới gắn trên máy bay chiến tranh điện tử EA-18G Growler. Ảnh: Boeing.

Việc tập trung vào nâng cao năng lực là bước đi cần thiết nếu Bộ Quốc phòng Mỹ muốn có nguồn lực cho các hệ thống chiến tranh mới, huấn luyện về không gian vũ trụ và không gian ảo, phổ điện từ, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ nhận định.

Lầu Năm Góc cũng phải lựa chọn cách thức quân đội trang bị và vận hành các lực lượng. Bộ Quốc phòng hiện nay dựa vào hệ thống radar và radio mạnh, hoạt động trong một vùng rộng lớn khiến chúng dễ bị đối phương phát hiện và tấn công.

Để tránh bị phát hiện khi vẫn điều phối các hoạt động và săn tìm đối phương, Bộ Quốc phòng cần tăng đầu tư và thử nghiệm hệ thống liên lạc ít khả năng bị phát hiện, bị can thiệp (LPI/LPD) và các cảm biến chủ động hoặc đa vùng. 

Ngoài ra, quân đội Mỹ cần giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thông tin liên lạc dùng nhiều điện, phát theo mọi hướng (như hệ thống đa hương Link-16 tiêu chuẩn NATO) và các cảm biến đơn vùng (như radar SPY gắn trên tàu và cảm biến phòng thủ tên lửa tầm thấp). Có một số bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc sẽ thực hiện việc chuyển đổi về công nghệ và hoạt động trong năm 2019 này.

Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ có khả năng tăng đầu tư cho radar đa địa tĩnh, sử dụng nhiều địa điểm hoặc phương tiện nhưng chỉ có một nơi/phương tiện phát sóng RF (tần số vô tuyến) để soi rọi mục tiêu, còn bộ thu radar trên các nền tảng khác (không phải tự phát sóng RF) sẽ chủ động bắt sóng tóm mục tiêu. Ví dụ, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm cách sử dụng tàu nổi không người lái làm bộ phát, còn radar trên tàu khu trục tiếp nhận sóng phát hiện mục tiêu. Đối phương chỉ có thể phát hiện được phương tiện phát sóng (tàu nổi rẻ tiền), nên không tấn công tàu khu trục (đắt tiền).