Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đề an đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh đóng vai trò rất quan trọng đến sự phát triển thể chất, trí não của trẻ. Những trẻ thấp bé còi hoặc nhiều dinh dưỡng quá cũng gây nên bệnh tật. Qua khảo sát, những đứa trẻ nào khoẻ mạnh mới có nhiều hoài bão và đóng góp tốt. Vấn đề thấp còi, bệnh tật của trẻ em…nhiều nước phát triển hơn họ đã từng trải qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore… họ rất quan tâm sức khoẻ đối tượng này.
Cũng theo bộ trưởng, ngoài dinh dưỡng, học sinh, sinh viên cần phải được rèn luyện thể chất nhiều hơn nữa. Hiện nay, thể thao trong nhà trường đã có nhưng chưa thực chất. Vì thế, ông đề nghị trong thời gian tới, các tài liệu truyền thông về bữa ăn dinh dưỡng phải đi đến từng cơ sở trường học, từng nhóm đối tượng để giúp thay đổi nhận thức. Ngoài giờ học, trẻ phải được rèn luyện thể chất, ăn đủ, ngủ đủ...để phát triển thể chất.
Đề án đến nay mới chỉ thực hiện được 1 năm, kết quả chưa đo đếm được tuy nhiên Bộ GD&ĐT cho rằng, đã phối hợp chuyên gia y tế có chuyên môn hướng dẫn dinh dưỡng, hoạt động thể lực trong trường học đã được nâng lên.
Tháng 1/2019, Thủ tướng ký phê duyệt Đề án đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khoẻ trẻ em, học sinh, sinh viên.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 80% học sinh, 50% phụ huynh hiểu được lợi ích dinh dưỡng hợp lý; 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ quy định về hoạt động thể lực phấn đấu mỗi học sinh, sinh viên hoạt động thể lực 60 phút/ ngày.
Ngoài ra, đề án cũng đưa ra mục tiêu: ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định; 100% cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tổ chức theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh đầy đủ theo quy định.
Cần cấm tuyệt đối quán hàng bán đồ chiên rán ở trường học
TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, bên cạnh trẻ béo phì, thừa cân ở vùng đô thị thì hiện nay học sinh vùng khó gia đình mức chỉ có mức thu 10-15.000 nghìn nên rất khó để thực hiện bữa ăn dinh dưỡng. Một số cơ sở nhà bếp cơ sở vật chất sơ sài, nhân viên bếp không được đào tạo, tập huấn bài bản nên khó có những bữa ăn chất lượng cho trẻ.
Bà Nhung cho rằng, để giảm tình trạng trẻ thừa cân, béo phì các trường học, cổng trường cần cấm tuyệt đối các quán hàng bán thực phẩm giàu năng lượng như đồ chiên rán cho học sinh.
Bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, một chuyên gia trong dinh dưỡng thông tin, trước đó, nhóm các bác sỹ hỗ trợ Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT thực hiện khảo sát cho thấy, có đến 1/3 học sinh tiêu thụ đồ uống có đường; chỉ có 19,7% em hoạt động thể lực đủ 60 phút/ ngày…Vì thế, trẻ em, học sinh Việt Nam có nguy cơ đối mặt với gánh nặng kép: suy dinh dưỡng, béo phì. Vì thế, bà Nga khuyến cáo, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT có giải pháp tăng thời lượng hoạt động thể lực cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng ông Lê Quốc Tiến cho biết, địa phương đang xây dựng hệ thống danh sách học sinh toàn tỉnh. Qua đó, mỗi học sinh sẽ có 1 mã định danh để năm tới bắt đầu thực hiện chính sách miễn giảm học phí. Ngoài ra, việc này còn phục vụ mục đích, các cơ sở y tế kiểm tra sức khoẻ học sinh hàng năm, thống kê mỗi năm có bao nhiêu em cận thị, gù lưng, béo phì.
Cũng theo ông Tiến, nhiều trường học tổ chức ăn bán trú nhưng thực tế các trường không biết ăn thế nào cho đúng, đủ. “Cần phải có thực đơn phù hợp ở trường học và tuyên truyền cho cha mẹ học sinh cũng phải hiểu ăn thế nào cho đúng, đủ”, ông Tiến nói.