Nói một lần chưa thấy đủ, nói thêm lần nữa, để nhắc nhớ về một cái tên chẳng ai biết đến: Đoàn Quang Anh Khanh với danh xưng bên cạnh: đạo diễn.
Ầm ĩ với câu nói tưởng là gây sốc: “Nhạc Trịnh có ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe”, anh đạo diễn này còn trả lời một bài phỏng vấn thật dài, phân tích đúng sai, hay dở, cả các vấn đề học thuật... về các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vị đạo diễn này hùng hồn: "Nhạc Trịnh chỉ dừng lại ở mức độ hay, phù hợp ở một thời cuộc nào đó và rất hợp với phẩm mỹ nghe nhạc của đại đa số người Việt chúng ta. Nhưng giai điệu, tiết tấu và ca từ của nhạc Trịnh đa phần là sự bi lụy, ai oán về thân phận…
Nếu là tác phẩm lớn luôn phải chứa đủ ba yếu tố (tư, tứ, tự), trong cái tư, tứ, tự đó thì cái “tư” tức là cái tư tưởng phải đi đầu… nhưng tư tưởng của Trịnh thì luôn luôn hướng đến cho người nghe sự chấp nhận, cam chịu số phận nhiều hơn. Tính từ bi trong nhạc Trịnh cũng chỉ là sự kêu gọi hời hợt, không có đường dẫn, không có con đường…".
Không hiểu những kiến thức sáng tác ca khúc này được trích dẫn từ giáo trình giảng dạy nào của các Học viện Âm nhạc ở Việt Nam hay của Thế giới?
Trịnh không chỉ là tình yêu
Được coi là nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam với con số hơn 600 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Không chỉ ở trong nước, mà cả ở nước ngoài, nhiều người đã nói rằng, họ biết ở Việt Nam có một nhạc sĩ là Trịnh Công Sơn. Niềm tự hào ấy, luôn có trong tâm thức của những người yêu nhạc Việt, qua nhiều thế hệ.
Khi còn trẻ, không ai không thuộc những ca khúc như "Tuổi đời mênh mông", "Em là bông hồng nhỏ", "Nối vòng tay lớn". Những người lớn, hầu như ai cũng thuộc "Diễm xưa", "Để gió cuốn đi", "Nắng thủy tinh", "Huyền thoại mẹ", "Nhớ mùa thu Hà Nội"...
Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách Khoa Pháp “Encyclopédie de tous les pays du monde” (Coll. Les Millions) và được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế cũng như những giải thưởng ở Việt Nam. Nhưng có lẽ giải thưởng lớn nhất dành tặng người nhạc sĩ tài hoa này chính là hàng triệu triệu “tín đồ” đã yêu ông, yêu và thuộc nằm lòng những tác phẩm của Trịnh như một lẽ thật tự nhiên, dung dị.
Trịnh Công Sơn từng được ví như một cánh chim đã bay qua mọi miền và hót lên những âm thanh từ trái tim, từ tấm lòng, với tất cả tình yêu và hoài bão hòa bình, khiến cho nhiều sắc dân phải nói lời đồng cảm.
Hầu như ai cũng biết và nhiều người đã coi là lẽ sống với câu hát nổi tiếng "Sống trên đời sống cần có một tấm lòng".
Và vị nhạc sĩ có tên dài khó nhớ Đoàn Quang Anh Khanh, có phải chỉ vì muốn tạo "sự khác biệt" mà thản nhiên bình luận về những nhạc phẩm đã tạo dấu ấn và tình yêu quá sâu đậm với những người yêu nhạc Trịnh, hay còn lý do nào khác?!
Chẳng có lẽ, tự nhiên, mà tất cả các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam, từ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Quang Dũng, Hà Trần, Hiền Thục... đều hát nhạc Trịnh như một niềm đam mê không thể thiếu trong sự nghiệp của họ.
Nổi tiếng hay tai tiếng
Khi tôi gọi điện cho một đạo diễn điện ảnh rất nổi tiếng của Việt Nam, hỏi anh có biết gì về đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh không, anh ấy cười và nói rằng: "À, cũng có nghe nói một lần, hình như từng làm cả một phần Duyên dáng Việt Nam nữa đấy, cũng có phim gì gây lùm xùm trên mạng mà anh không nhớ. Mà thôi, để ý làm gì, chắc lại muốn vin vào Trịnh để nổi tiếng thôi mà".
Nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời từng nhận định rằng: "Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra".
Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa...".
Đúng là ai cũng có quyền yêu ghét, hoặc dửng dưng, nhưng khi xác định mình là người của công chúng, cũng lao động nghệ thuật, nên chăng, cần thận trọng hơn trước những phát ngôn có thể làm ảnh hưởng đến những người khác, đặc biệt là khi bình phẩm về một nhạc sĩ đáng kính như Trịnh!
Ngọc Đinh