Mười năm chưa xong một bệnh viện

TP - Kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức khởi công, dự án Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam TT-Huế đã qua ngót 10 năm triển khai, đến nay, công trình vẫn ngổn ngang.

> TT - Huế: 'Chết yểu' dự án BV đa khoa khu vực phía Nam

Bộ khung nhân sự hình thành hai năm về trước đang làm việc tại một cơ sở tạm bợ, xuống cấp, trưng dụng từ trạm xá cũ, cách bệnh viện xây dở gần 5km.

Qua nhiều năm xây dựng, Bệnh viện đa khoa Chân Mây vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Ngọc Văn.

Ì ạch, ngổn ngang

Năm 2003, dự án Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam TT-Huế (nay là Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, thuộc xã Lộc Thủy - huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Y tế làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện trên dưới 100 tỷ đồng.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh thời kỳ đó, mục tiêu phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân các huyện phía nam và toàn vùng đô thị mới Chân Mây - Lăng Cô.

Với lý do điều chỉnh nguồn đầu tư, thiếu vốn, dự án nhiều lần đình đốn, kéo dài tiến độ. Tuy nhiên, những bế tắc về kinh phí từng bước được tháo gỡ vào năm 2012, công trình vẫn ì ạch.

Khi chúng tôi có mặt tại cơ sở y tế này vào một ngày cuối tháng 1, toàn bộ khuôn viên còn ngổn ngang vật liệu, xà bần, rác và cỏ dại. Chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy, bệnh viện sẵn sàng đi vào hoạt động trong hai tháng tới.

Nhiều khối nhà chức năng vẫn trống, chưa xong phần sơn quét bên ngoài, hệ thống cửa sổ, cửa chính chưa lắp xong, thiết bị y tế đắp chiếu nằm kho.

Bên ngoài, hệ thống giao thông nội bộ vẫn là những con đường đất, rậm cỏ. Đặc biệt, khối nhà hai tầng sơn màu trắng mặt sau bệnh viện đã lên rêu mốc đen sì, tựa công trình kiến trúc xây từ hàng chục năm trước.

Vài tháng lại đây, một bộ phận nhỏ cán bộ, nhân viên hành chính đã đến bệnh viện mới làm việc tại dãy phòng chưa hoàn thiện ở tầng trệt.

Bệnh viện chưa đấu nối xong hệ thống điện, các nhân viên phải câu nguồn dẫn thủ công thiếu an toàn từ bên ngoài vào để vận hành thiết bị văn phòng, chiếu sáng, in ấn, soạn thảo văn bản... Toàn bộ khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Chân Mây cũng chưa có nước sinh hoạt; trong khi, cùng với nguồn điện, đây là một trong những điều kiện cơ bản để vận hành một cơ sở khám, chữa bệnh.

Nghịch lý

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ 1-9-2011, khi công trình còn trong cảnh ngổn ngang, một bộ khung nhân sự ban đầu của Bệnh viện Đa khoa Chân Mây hình thành, hoạt động hình thức. Họ là những người được điều chuyển từ các cơ sở y tế, cơ quan quản lý chuyên ngành sang, hoặc tuyển mới.

"Hồi đó, cứ đầu tháng, chúng tôi lại về khu bệnh viện xây dở họp một lần, bàn ghế phải đi thuê, đi mượn. Giao ban xong, phần lớn anh em lại đi học thêm ở các bệnh viện tuyến trên để nâng cao tay nghề, vì chưa có nơi làm việc", một cán bộ của bệnh viện kể.

Tháng 10-2012, nhân lực của Bệnh viện Đa khoa Chân Mây được phê duyệt bổ sung và chính thức bắt tay vào làm việc, nhưng tại một nơi không phải là bệnh viện.

Ít ai biết, cách bệnh viện xây dở chừng 5km, một bộ phận y, bác sĩ của cơ sở y tế này phải "tác nghiệp" theo kiểu tình thế trong vài căn phòng xuống cấp, ẩm thấp, chật chội có tên là Phòng khám Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, được trưng dụng từ khu trạm xá cũ, xây dựng từ thời bao cấp, thuộc xã Lộc Tiến.

Đối nghịch với hình ảnh những tòa nhà hoành tráng nhưng trống không của bệnh viện mới, hằng ngày, các nhân viên y tế phải làm việc tràn ra cả phần hiên khu phòng khám già nua, chật hẹp.

"Hôm nào giao ban chuyên môn đông, anh em không đủ chỗ để ngồi. Khi cần báo cáo về văn phòng, chúng tôi lại phải chạy qua cơ sở chính, cách đây chừng 5 cây số. Phòng khám nằm cạnh chợ Thừa Lưu, lại bị kẹp sát giữa hai tuyến đường bộ và đường sắt Bắc - Nam, nên rất bất lợi, suốt ngày ồn ào", một bác sĩ nói.

Với quy mô nhỏ hẹp, mỗi ngày, kíp trực của phòng khám chỉ có 4 người đến làm việc, dù nhân sự bệnh viện hiện lên đến 55 người, chưa kể 15 chỉ tiêu sắp được bổ sung thời gian tới. Những người chưa có chỗ "dụng võ" lại tiếp tục… đi học.

Mang tiếng là bệnh viện cấp tỉnh, những năm trước, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Chân Mây cũng phải mua BHYT tại Bệnh viện huyện Phú Lộc.

Người lao động thuộc khu du lịch cao cấp Laguna Lăng Cô (thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) khi khám chữa bệnh theo BHYT cũng đành vào tận TP Đà Nẵng, do Bệnh viện Đa khoa Chân Mây chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khi được hỏi về tiến độ xây dựng "rùa" kéo theo những hệ lụy, nghịch lý trong tổ chức khám, chữa bệnh hiện nay, ông Hoàng Văn Thám - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây - cho rằng, công trình triển khai chậm là do thời tiết bất lợi, trời mưa nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.

Theo cơ quan thủy văn địa phương, năm 2012, TT- Huế dường như không xảy ra mưa lụt lớn, kéo dài. Còn giới thầu xây dựng trong khu vực khẳng định, đây là năm rất thuận lợi cho hoạt động xây dựng cơ bản.

Theo Báo giấy