Mất vệ sinh
Các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát hơn 28.000 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm của cả nước, cho thấy, tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm năm 2010 cao hơn năm 2009.
Theo lãnh đạo Cục thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tình trạng giết mổ không đảm bảo vệ sinh và vận chuyển sau giết mổ chưa đúng quy trình vẫn diễn ra. Ngay tại Thủ đô, người ta vẫn thấy cảnh lợn “ở trần” nằm vắt vẻo trên xe máy, xe ba gác, dù đã có quy định và hỗ trợ cung cấp thùng đựng đảm bảo vệ sinh.
“Vấn đề nữa là người dân chưa có thói quen mua thịt bảo quản lạnh sau giết mổ. Nhiều người cho rằng, thịt lạnh là không tươi, không bổ dưỡng như thịt nóng. Thậm chí, có người khăng khăng bảo, thịt lạnh không dùng để giã giò được” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nói tại giao ban trực tuyến.
Các lò mổ theo mô hình giết mổ tập trung ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, chỉ nhộn nhịp khi có dịch bệnh. Còn ở miền Nam, 760 lò mổ tập trung có thể cung ứng 50% lượng thịt cho cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thì cho rằng, cứ 10 con lợn, gà được giết mổ mang ra chợ, sáu con không đạt yêu cầu vệ sinh. Trong đó, chủ yếu nhiễm khuẩn Coliform, E.coli và Salmonella.
Tại thành phố Hà Nội, hiện còn gần 500 điểm giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh gia súc gia cầm tại chợ cóc, chợ tạm. Việc vận chuyển gia súc gia cầm từ điểm giết mổ đến nơi tiêu thụ vẫn bằng xe máy, xe thô sơ, chưa có xe chuyên dụng.
Ông Tưởng cho biết, trung bình mỗi ngày, người dân ở Hà Nội tiêu thụ khoảng 560 tấn thịt gia súc gia cầm. Trong đó, các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đáp ứng được 2,9% nhu cầu thực tế, còn lại từ những điểm giết mổ thủ công.
Không để mỗi nơi một phách
Năm nay, Hà Nội có năm nhà máy giết mổ tập trung đi vào hoạt động. “Có sự chậm trễ trong quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm do còn phụ thuộc, chờ đợi vào quy hoạch chung của Thủ đô. Dự kiến, Hà Nội sẽ có 13 nhà máy hoạt động trong năm 2013” - ông Tưởng nói.
Theo ông Tưởng, dù Hà Nội có nhiều ưu đãi lớn cho doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực này như miễn toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ xử lý nước thải…., nhưng họ vẫn không mặn mà.
Cái khó của Hà Nội cũng là điều khiến lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trên cả nước đau đầu và nêu ra tại buổi giao ban trực tuyến.
Liên quân đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, bức tranh giết mổ gia súc gia cầm còn nhiều nét tối, vẫn theo kiểu "nhà nhà cắt tiết làm lông".
“Giết mổ đảm bảo vệ sinh liên quan đến sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước. Nếu ở đâu cũng tồn tại cách làm thủ công như hiện nay thì không thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh” - ông Phát nói.
Bộ này đề nghị các địa phương cần thống kê những cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn, phân loại cơ sở đủ điều kiện và không đạt.
Với những cơ sở không đạt, nếu không khắc phục, cần xử lý nghiêm theo pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ chung, không để tình trạng mỗi tỉnh, thành một phách như hiện nay.
Thống kê từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, cả nước hiện có gần 30.000 cơ sở giết mổ, trong đó, chiếm đến 97% là các điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, không giấy phép. Chỉ 3% gia súc gia cầm được giết mổ ở những cơ sở tập trung, công nghiệp. Chỉ khoảng 27% cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát, trong đó miền Bắc chỉ đạt 17%, miền Nam là 67%.
Văn Việt