Mùa tri ân đầu tiên

TP - Mùa hè đến, hàng triệu học sinh lại chia tay với mái trường phổ thông bước vào đời. Những nụ cười và những giọt nước mắt tự nhiên như sắc thắm hoa phượng hay màu tím bằng lăng. Nét mới năm nay là “Lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 để tri ân cha mẹ, thầy cô đang được tổ chức trên cả nước.

Cuối tháng 5 này là mùa tri ân đầu tiên với lứa học trò sinh năm 1992, trước khi các em rời xa mái trường yêu dấu (trước đây, lễ tương tự có được tổ chức nhưng chỉ ở một số ít trường). Có thể nói, những ngày này nhiều trường THPT trên cả nước đang cùng… xao xuyến.

Chúng tôi có mặt và tham dự như “người trong cuộc” tại một trường tổ chức khá ấn tượng lễ biết ơn này - trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). Trên tấm phông lớn là hình ảnh ban giám hiệu cùng 9 giáo viên chủ nhiệm tiễn học trò (qua biểu tượng 9 chiếc thuyền căng buồm ra biển lớn - cuộc đời).

Chưa bao giờ việc chia tay với ngôi trường, với các thầy cô lại trở nên gần gũi như thế với mỗi gia đình học sinh. Toàn bộ phụ huynh học sinh khối 12 (hơn 400 vị) được trân trọng mời đến buổi lễ để chứng kiến lễ ra trường của con.

Mọi năm tiễn học sinh lớp 12 ra trường là một phần của lễ bế giảng. Năm nay, một số trường đã tách riêng làm hai buổi lễ. Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những trường đầu tiên tổ chức Lễ tri ân trưởng thành riêng (sáng chủ nhật 23-5). Suốt buổi lễ 2 tiếng đồng hồ, không chỉ học sinh mà phụ huynh thực sự cũng là người trong cuộc. Nhiều ý kiến, cảm tưởng của thầy cô và một số vị phụ huynh đầy xúc cảm nhưng những tình cảm của các em mới thật sự là điểm nhấn của buổi lễ. Ý tưởng tổ chức và kịch bản hoạt động này xuất phát từ cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp và thầy giáo Hoàng Trung Thuấn - cố vấn Đoàn trường.

Những tấm ảnh kỷ niệm sẽ đi theo suốt cuộc đời. Ảnh: Kim Nhật.

Trong suốt buổi lễ tri ân, có những khoảng im lặng kéo dài, những giọt nước mắt của cha mẹ, của thầy cô và rất nhiều học sinh đã lặng lẽ rơi khi lắng nghe những dòng tâm sự…

Học sinh Nguyễn Anh Tuấn lớp 12B6 viết những dòng “Thân gửi hai người mẹ của con. “Chưa bao giờ con thấy biết ơn, thấu hiểu những lo toan suốt 18 năm qua mẹ đã nuôi con lớn khôn.

Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ. Nói ra lời này thật ngại nhưng mẹ đã nuôi con khỏe mạnh, khôn lớn và với số đo cân nặng lý tưởng để đi đâu người ta cũng biết con là con của mẹ.

…Cô ơi! Cô đừng quên con nhé! Khi nào đèn hỏng cô gọi con, cô nhé! Con sẽ cố thi đỗ đại học để không phụ lòng cô và mẹ! Con cảm ơn hai người mẹ đã cho con có ngày hôm nay”.

Học sinh Trương Quỳnh Anh, lớp 12A1, bộc bạch: “Cô giáo chủ nhiệm của tôi - mẹ Nga là người tôi vô cùng yêu quý. Tôi yêu quý mẹ, yêu cái dáng người quá khổ của mẹ...”.

Học sinh Nguyễn Thanh Thủy, lớp 12B4, viết về bố mình: "Con thích cái cách bố yêu con, quan tâm con nhưng không nói ra thành lời. Hằng ngày ngồi sau xe bố, con đều vòng tay ôm lấy bụng bố. Cuộc đời con có đủ vạn lần được ôm bố thế nữa không. Con tự hào khi được làm con bố. Con yêu gia đình mình và con sẽ trân trọng tất cả những gì mình đang có”.

Thầy giáo Hoàng Trung Thuấn - Cố vấn Đoàn trường cho biết: Nhiều bài viết làm tôi bất ngờ như bài viết về người cha của em Thảo, bài viết về cô chủ nhiệm cũ của em Quang “sứt”. Đặc biệt là câu viết vụng về nhưng rất chân thực: “Cô đã cứu em từ vũng lầy xã hội”.

Một cô giáo làm công tác chủ nhiệm 19 năm tâm sự: “Năm nào tôi cũng không nén được nước mắt vì sắp xa một lứa học trò. Năm nào học trò cũng có lưu bút nhớ thương. Song năm nay, tôi cảm nhận rõ sự khác biệt rất nhiều. Người thầy được sát cánh bên phụ huynh đón nhận tình cảm của các con”. Những học sinh lớp 10 và 11 dường như cũng nhìn thấy trước hành trình của mình. Các em hiểu được những điều sâu xa hơn.

Xa nhau rồi, bạn ơi! Ảnh: Kim Nhật.

Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp đã dặn dò các em thật cảm động: “Hôm nay ta có nhau, ngày mai phải xa rồi... Chẳng còn lời yêu thương, chẳng còn lời trách móc, chẳng có thầy cô an ủi lúc buồn đau, chẳng có ai buồn để cho các em biết mình có lỗi…

Nhưng ngày mai bắt đầu từ hôm nay, vậy nên các em hãy vững vàng, tự tin, bản lĩnh khẳng định mình trong 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học để trả nợ ân tình với cha mẹ với thầy cô và cũng là để chứng minh mình đã khôn lớn”.

Được biết, tại các trường THPT phía nam đã có nhiều trường tổ chức khá thành công Lễ tri ân trưởng thành. Cũng có trường làm lễ quá hình thức, khô cứng, có trường lại tổ chức thiên về tình cảm mà chưa chú trọng tính giáo dục, ít nhiều bị ảnh hưởng kiểu “lãng mạn phim truyền hình Hàn Quốc”. Có trường đã tổ chức thành Đêm tri ân trong ánh nến lung linh. Chắc chắn sẽ có điều rất nên phát huy và có điều phải rút kinh nghiệm sau năm đầu tiên. Hy vọng, với mỗi trường, mỗi vùng miền khác nhau, sẽ có hàng ngàn biến tấu, muôn vạn sắc mầu, nhưng tất cả vẫn hướng tới cái đích xây dựng một văn hóa biết ơn, nhân lên tình cảm thầy trò, tình cảm gia đình và bạn bè trong sáng.

Một trong 15 nội dung của kế hoạch phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực năm học 2009-2010” là các trường cần tổ chức “Lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 để tri ân cha mẹ, thầy cô. Tổ chức lễ tri ân để học trò bày tỏ lòng biết ơn thầy cô và cha mẹ là cả một “đại lễ” của trường THPT nên cần được tổ chức thật thành công. (Kế hoạch phối hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Trung ương Đoàn, Hội LHPN Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam được ký kết từ đầu năm học 2009- 2010 tại Hà Nội).  

 

Giờ học không có tiếng trống

Câu chuyện xảy ra vào hè năm ngoái. Theo kế hoạch, học sinh đi bế giảng không lên các phòng học nữa. Nhưng cả một tập thể lớp vẫn nhất định xin cô chủ nhiệm cho lên lớp một lần cuối. Cô giáo chiều lòng học trò cũng bước cùng lên lớp. Bất ngờ tất cả lớp ngồi vào chỗ đứng thẳng chào cô giáo như thường lệ. Điều là là sau đó, 55 học sinh đứng yên tại chỗ, không ai nói gì, chỉ có nước mắt rơi... Một em lên bàn giáo viên cầm khăn lau bảng như thường ngày. Đó là lúc tất cả các trò nhận ra không thể có một giờ học nào nữa...

Những món quà cuối năm

Học sinh thời nay tặng cô giáo những món quà tinh thần rất lãng mạn. Các em không mua đồ dùng mà rủ nhau gấp những ngôi sao, những hình trám, những cánh hạc nhỏ bé cho vào lọ thủy tinh. Các em viết những bức thư nhỏ nhắn cuộn lại, cột dây kim tuyến. Sau đó vùi dưới lọ thủy tinh gấp sao lấp lánh. Cô giáo lấy thư ra thì nhận được những chữ ký, lời yêu học trò gửi đến mình.

Có lớp các em chụp ảnh chung xếp thành hình tên lớp rồi lồng vào khung kính thật đẹp tặng thầy cô của mình. Phổ biến nhất là đồng phục lớp 12 được mặc những ngày cuối. Có lớp chỉ vì người thích màu xanh, kẻ thích đỏ, nam thích in hình ngộ nghĩnh, nữ muốn điệu đà mà cãi nhau ỏm tỏi...Thế nhưng khi “lên áo” xong ai cũng tưng bừng, tự hào về “màu cờ sắc áo” của lớp mình.