Mưa lớn gây sạt lở, đất đá trên núi đổ sập xuống nhà dân ở Quy Nhơn

TPO - Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã làm sạt lở đất đá, gây hư hại, ảnh hưởng đến người dân tại một số khu vực trên địa bàn TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tảng đá lớn sạt lở, lăn xuống đổ sập vào nhà dân. Ảnh: Trương Định

Tại TP Quy Nhơn, mưa lớn trong ngày 14/11 đã làm sạt lở đất đá, cây cối trên núi đổ xuống làm hư hỏng 2 ngôi nhà ở tổ 49, KV5 (phường Quang Trung).

Sạt lở đất đá phía sau nhà chị Trần Thị Phượng. Ảnh: Trương Định

Chị Trần Thị Phượng (34 tuổi) cho hay, lúc đó khoảng 8h sáng, đất đá trên núi phía sau bắt đầu sạt lở, đổ sập xuống nhà.

“Nghe tiếng sạt ầm ầm mẹ con mới lật đật chạy ra trước đứng, đợt trước cũng bị sạt một lần rồi. Trước kia thì không bị, nhưng mưa lớn những ngày qua thì bị như vậy. Giờ cũng mong muốn chính quyền địa phương có phương án gì chứ có một cái nhà để ở mà thế này thì lo quá”, chị Phượng nói.

Sạt lở đất đá làm sập tường phía nhà bếp của chị Phượng. Ảnh: Trương Định

Sát bên nhà chị Phượng, nhà bà Đoàn Thị Thu Hà (51 tuổi) cũng bị hư hỏng một phần phía sau vì đất đá sạt xuống làm nứt, bể tường nhà.

Căn phòng nhà bà Hà bị đá lăn xuống làm nứt, bể tường, nước chảy vào. Ảnh: Trương Định

Bà Hà cho hay, gia đình bà ở đây đã 21 năm, tuy nhiên đây là lần đầu tiên xảy ra sạt lở như vậy.

“Hôm qua mưa to quá, lúc đó khoảng 8h, tôi đang giặt đồ phía sau thì nghe đất đá đổ sập xuống, cũng vội chạy ra trước đứng chứ thấy nguy hiểm quá”, bà Hà kể lại.

Sạt lở bên hông nhà bà Hà. Ảnh: Trương Định

Đất đá đổ xuống nhà bà Hà. Ảnh: Trương Định

Tại khu vực này, theo quan sát của PV, có nhiều nhà dân dọc theo triền núi, trời mưa lớn nước chảy nhiều từ trên núi xuống qua một số đường nội bộ trong khu dân cư, nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra.

Những điểm sạt lở đất đá tại KV5, phường Quang Trung. Ảnh: Trương Định

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) cho biết, địa phương cũng đã nắm được tình hình và ngay trong hôm qua đã cho người xuống vận động người dân đến nhà người quen để đảm bảo an toàn.

Theo bà Yến, khi đến mùa mưa, những nơi có hiện tượng, địa phương đã thống kê từng khu vực có nguy cơ để nắm tình hình và có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Bình Định, một số địa phương đã tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn để tránh những thiệt hại đáng tiếc do mưa lũ, sạt lở gây ra.

Tại huyện Phù Cát địa phương đã cho di dời 36 hộ Núi Gành xã Cát Minh đến nơi an toàn. Còn tại TP Quy Nhơn đã tiến hành di dời 60 hộ ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt đến các nơi tránh trú an toàn, cụ thể: Phường Nhơn Phú đã di dời 20 hộ ở KV2 và 34 hộ ở KV 3; phường Đống Đa đã di dời 4 hộ do có nguy cơ sạt lở do ở Núi Một và phường Nhơn Bình di dời 2 hộ ở KV 5.

Trước đó, trong sáng 14/11, tại TP Quy Nhơn, tuyến QL 1D đoạn qua KV5, phường Ghềnh Ráng cũng bị sạt lở đất, đá trượt xuống mặt đường, ảnh hưởng đến giao thông đi lại.

Điểm sạt lở trên QL1D đã được khắc phục tạm thời và có biển cảnh báo người dân. Ảnh: Trương Định

Trước đó, trong ngày 14/11, mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất xảy ra tại khu vực dân cư ở KV3 (phường Ghềnh Ráng), khiến một lượng đất đá lớn sạt xuống lòng đường. Ảnh: Trương Định