Mùa lạnh cảnh giác với viêm đường hô hấp trên

Mùa đông khí hậu lạnh, độ ẩm cao cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nhất là những bệnh lên quan đến đường hô hấp trên như: viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang...
Mùa lạnh khi cho trẻ ra ngoài cần mặc ấm để tránh bị lạnh gây viêm đường hô hấp.

Mùa đông khí hậu lạnh, độ ẩm cao cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nhất là những bệnh lên quan đến đường hô hấp trên như: viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang... Vì vậy, cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời tránh biến chứng ảnh hưởng lâu dài với sức khỏe là vô cùng cần thiết.

Bệnh của thời tiết

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên trong đó thời điểm giao mùa, mùa đông lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp,… khiến sức đề kháng cơ thể kém là nguyên nhân chính khiến bệnh khởi phát. Cụ thể, các căn nguyên sau: dị ứng với thời tiết, các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, bụi… hoặc tác động của hóa chất (khói thuốc lá - hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).

Mặt khác, khi cơ thể sức đề kháng yếu khiến cho các virut, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng là nguyên nhân chủ yếu dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết:

Viêm đường hô hấp trên là biểu hiện của nhiều bệnh bao gồm cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Với các triệu chứng chủ yếu: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…Tuy nhiêm, với đặc điểm của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, biểu hiện của bệnh nhanh và mang tính ồ ạt kèm theo là sốt cao và thành cơn (thường là 39oC trở lên); hắt hơi, sổ mũi xuất hiện nhiều lần trong ngày kèm theo  rát mũi, đau họng. Người bệnh chảy nhiều nước mũi trong, loãng, không có mùi hôi.

Nếu virut gây bệnh ở thanh quản thì người bệnh có biểu hiện khàn tiếng. Khởi phát của bệnh chỉ là khản tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và nếu không được điều trị hoặc có những tác động như nói nhiều, hét to... dễ dẫn đến mất tiếng.

Tuy nhiên, mỗi cơ quan bị bệnh sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau.

- Viêm đường hô hấp trên cấp tính thường xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi tác động vào cơ thể như thay đổi thời tiết đột ngột với triệu chứng khởi phát là đột ngột sốt có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run kèm theo là các triệu chứng ho, người bệnh có thể ho húng hắng hoặc ho liên tục, hắt hơi và chảy nước mũi. Tại họng, người bệnh có triệu chứng đau khi nuốt nước bọt, khi ăn. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng thì rất dễ dàng chuyển thành mạn tính.

- Viêm đường hô hấp trên mạn tính với biểu hiện là ho húng hắng, rát họng, thấy vướng khi nuốt (như có vật gì nằm trong họng), chảy nước mũi thường xuyên. Nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi... ở những trường hợp bị viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu... Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh thường gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài chảy nước mũi, khi ngủ trẻ thường thở bằng miệng.

Khuyến cáo của thầy thuốc

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa đông, quan trọng nhất vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống.

Đối với vệ sinh cá nhân, nhất là trẻ em và người cao tuổi mùa đông cần mặc áo ấm, giữ ấm cổ, cần quàng khăn, đi găng tay, tất chân… Vệ sinh răng miệng hàng ngày, trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi.

Tại gia đình, nơi ở cần sạch sẽ, thông thoáng không bị gió lùa (tránh mở hai cửa lưu thông nhau). Giường ngủ gọn gàng, thường xuyên giặt chăn, màn,… Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi, rơm, rạ nên dùng loại bếp ít khói.

Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi,…. không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điêu trị đúng.

Theo Theo Sức Khỏe Đời Sống