Nguyên nhân của màn cãi vã chỉ vì trò không chịu đóng tiền nộp phạt 100 ngàn đồng do không làm bài tập về nhà, theo một quy định của trung tâm này.
Tôi nghĩ, với cô và trò này, hay chính xác hơn là người giảng viên và học viên trong clip nêu trên, truyền thống tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, không nên nhắc ra với họ. Có thể họ không biết chúng ta đang sở hữu một truyền thống văn hóa hiếu học quý báu từ ngàn đời của dân tộc?
Tôi đồ rằng, với họ chỉ đang tồn tại duy nhất một quan hệ dịch vụ theo kiểu thuận mua vừa bán đơn thuần, đó là mua bán chữ, mà cụ thể ở đây là tiếng Anh. Nhưng kể cả chỉ là dịch vụ mua bán, cũng ít ai cãi chửi nhau, xúc phạm nhau đến như thế trong một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật.
Có người lại nói, đại ý không nên nặng nề quá vì đây chỉ là dạy kỹ năng ở một trung tâm ngoại ngữ thôi mà, đâu phải trong trường học. Rất có thể cô giáo ở trung tâm này không được đào tạo bài bản về sư phạm. Nhưng về bản chất, dù lớp học ở trường hay ở trung tâm cũng đều là hoạt động truyền thụ kiến thức, văn hóa. Và đã mở lớp dạy học đương nhiên phải chịu sự quản lý, cấp phép của sở GD&ĐT tại địa phương, phải đảm bảo và tôn trọng những yêu cầu tối thiểu của một môi trường văn hóa - giáo dục.
Để tồn tại những trung tâm ngoại ngữ không đảm bảo môi trường sư phạm, thầy không ra thầy mà trò cũng không ra trò như thế này, thậm chí đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, hẳn có trách nhiệm không nhỏ của sở GD&ĐT Hà Nội. Đáng ngạc nhiên, thông tin mới nhất từ sở này cho hay, cả 3 cơ sở của trung tâm ngoại ngữ nêu trên đều không có giấy phép hoạt động.
Từ cuộc đấu khẩu cô - trò chấn động này, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Những gì diễn ra bên trong các trung tâm ngoại ngữ đang mọc lên như nấm ở Hà Nội hiện nay, có bao nhiêu trung tâm không phép như thế này, trách nhiệm chính quyền sở tại ở đâu, ai kiểm soát chất lượng dạy và học tại các trung tâm này?
Hàng loạt câu hỏi nêu trên cần câu trả lời từ phía những người có trách nhiệm, có như vậy mới hy vọng lấy lại được niềm tin của người dân vào một môi trường giáo dục thực sự lành mạnh và có chất lượng.