Một triển lãm lịch sử đầy 'sạn'

TP - Trưng bày suốt 1 tuần với tình trạng vắng vẻ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Đắk Lắk qua tài liệu lưu trữ” đã phơi bày quá nhiều sai sót nghiêm trọng về nội dung. 
Mộc bản thời Nguyễn bị gắn lên bục phơi giữa trời

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, từ lúc Triển lãm khai mạc vào sáng 9/3, đến khi toàn bộ hiện vật được Bảo tàng tháo dỡ lưu kho vào sáng 16/3/2020, kể cả gần 300 quan khách đến dự lễ, tổng số người đến xem Triển lãm vẫn chưa tới 800. Điều đọng lại là khen ít, chê nhiều.

“Sạn” nhức mắt

Sáng cuối tuần, triển lãm vắng không một bóng người. Nhiều hiện vật, tài liệu giá trị, công chúng ít khi có dịp thấy được trưng bày tại triển lãm. Có thể kể đến Mộc bản sách Đại nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 8, mặt khắc số 22 về việc Sứ thần nước Thủy Xá và Hỏa Xá dâng cống phẩm lên Vua Tự Đức năm Nhâm Tý 1852; Báo cáo của Công sứ Đắk Lắk về việc xây dựng tuyến đường 300km nối giữa 2 cao nguyên M’Đrắk và LangBian năm 1906; Sắc lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại về việc thiết lập Hoàng triều Cương thổ tháng 12/1950; Nghị định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về việc dời Quận lỵ Ban Mê Thuột đến Buôn Sut Mgrư xã Ea Pôk năm 1964…

Tuy nhiên, nhiều chi tiết của triển lãm lộ đầy lỗi cẩu thả, rất nhiều câu chữ và nội dung chú thích sai, tiền hậu bất nhất. Ví dụ riêng địa danh M’Đrắk trên cùng 1 mảng trưng bày đã có tới 3 cách ghi khác nhau: “M’Dack”, “M’Drack”, “M’Drak”. Cùng tấm ảnh 6 vị lãnh đạo đứng, nhưng chỗ này chú thích “Cuộc họp đầu tiên của Tỉnh ủy Đắk Lắk tại thị xã Ban Mê Thuột sau giải phóng, năm 1975”, chỗ khác lại ghi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk, năm 1978”. Cùng chức vụ, nơi ghi là “Tỉnh trưởng”, nơi ghi “Chủ tỉnh”.

Được biết có lỗi nghiêm trọng đã được chính quan khách mời đến dự lễ khai mạc phát hiện, chỉ cho Ban tổ chức tự sửa. Đó là 2 tấm ảnh chú thích nhầm phiên hiệu Sư đoàn 10 của Quân Giải phóng thành Sư đoàn 23 của quân Việt Nam Cộng hòa trong trận đánh tháng 3/1975. Sau đó lỗi này được sửa bằng bút xóa, ghi số mới đè lên số cũ.

Đáng chú ý các hiện vật lịch sử quý giá tại Triển lãm này được gắn trực tiếp lên bục phơi suốt tuần giữa trời bụi bặm nắng gió, không có kính bảo vệ, cũng không ghi đây là phiên bản hay hiện vật gốc. Một số tài liệu tiếng nước ngoài được sao chụp in ra mà không kèm bản dịch, chẳng khác nào đánh đố khách tham quan.

Rút kinh nghiệm cho lần sau

Từ ngày 10/1/2020, bản Kế hoạch số 287/KH-UBND do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký về việc tổ chức Triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Đắk Lắk qua tài liệu lưu trữ” dài 10 trang được ban hành. Trong đó 8 trang xác định rõ mục đích, yêu cầu, chủ đề, địa điểm, thời gian, nội dung, quy mô, phân công... Đơn vị chủ trì Triển lãm là UBND tỉnh Đắk Lắk, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Cục VTLTNN) thuộc Bộ Nội vụ. Đơn vị tổ chức thực hiện là Sở Nội vụ, có sự phối hợp của hàng chục sở ngành liên quan. 2 trang cuối là Bảng dự trù kinh phí các khoản 803.680.000 đồng, làm tròn 800 triệu, chia đều ngân sách tỉnh và Cục VTLTNN mỗi bên chịu một nửa.  

Ông Võ Văn Cảnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm cho biết Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước là đơn vị chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung Triển lãm. Còn kinh phí, 800 triệu chỉ là mức dự trù ban đầu, trong đó ngân sách tỉnh phân nửa. Tuy nhiên sau đó tỉnh đã giảm số khách mời và một số chi phí lễ tân, hiện chưa quyết toán nhưng chắc chắn tiết kiệm khá nhiều.

“Được công luận, báo chí phản ánh, góp ý, UBND tỉnh cầu thị lắng nghe, tiếp thu. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn” - ông Cảnh chia sẻ với PV Tiền Phong.

Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk - ông Đinh Một than toàn nghe mắng oan về “ Triển lãm đầy sỏi, sạn”, nên đã chủ động thống kê một số lỗi, đề nghị Ban Tổ chức rút kinh nghiệm. Ông Một khẳng định cán bộ nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk không hề được tham gia góp ý trong quá trình chuẩn bị, thiết kế và thi công.