> Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên
> Học nghề cho... vui
Cùng TS Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Úc, hôm qua TS Phạm Thị Ly ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mô tả nhanh bức tranh khoa học và giáo dục VN trên trường quốc tế thông qua một góc nhìn rất hẹp, các ấn phẩm khoa học quốc tế.
Cụ thể, họ phân tích tình hình ấn phẩm khoa học giáo dục của VN trên các tập san khoa học quốc tế.
Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về số lượng ấn phẩm liên quan đến ngành giáo dục, kể cả ngôn ngữ học, từ cơ sở dữ liệu Scopus trong thời gian 1996 đến 2010.
Scopus ra đời vào tháng 11-2004, là cơ sở dữ liệu tóm tắt và trích dẫn lớn nhất của Nhà Xuất bản Elsevier và, nói không ngoa, của cả thế giới. Hai nhà khoa học còn thu thập chỉ số ảnh hưởng được phản ảnh chủ yếu qua tần số trích dẫn. Kết quả thế nào?
VN gần như thua trên mọi chỉ số. Chẳng hạn, trong vòng 15 năm vừa đề cập, VN có 39 bài báo nghiên cứu về giáo dục được công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt.
Trong khi đó, một trong những nước nghèo nhất thế giới là Bangladesh có nhiều hơn thế, 68 bài. So với các nước Đông Nam Á, khoảng cách còn xa nữa.
Chẳng hạn, Thái Lan có 177 bài, còn Malaysia có 399. Về số ấn phẩm, VN xếp hạng 14 trong tổng số 21 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á. Về chất lượng, chỉ số trích dẫn của các nghiên cứu từ VN là 2.22 cho mỗi bài, so với 2.91 của Thái Lan và 4.93 của Malyasia.
Trong lúc VN chưa có thước đo nào hữu hiệu hơn, việc chỉ dựa trên các bài báo bình duyệt nói trên có ý nghĩa không nhỏ.
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng thực tế cho thấy chúng ta ít có nỗ lực đem các sản phẩm nghiên cứu ra thử thách trên trường quốc tế.
Vấn đề không phải để theo đuổi và đi tìm thứ hạng cao đơn thuần mà là phải chấp nhận thách thức trong môi trường quốc tế.
Tham gia đăng và chịu sự bình duyệt quốc tế còn buộc chúng ta phải học hỏi chuẩn mực quốc tế, xác định xem ta đang ở đâu, thể giới đã tìm được cải gì từ lâu.
Bao năm nay chúng ta thường viện các lý do như hạn chế đầu tư. Nhưng có hay không hạn chế trong cách suy nghĩ, chưa có thói quen đưa nghiên cứu ra cọ xát quốc tế?
Bao lâu nay, nhà khoa học ta thường lặp điệp khúc “việc ta ta làm, miễn là có ích cho đất nước”. Nhưng không đưa ra thách thức thì làm sao kiểm nghiệm giá trị khoa học của sản phẩm?
Chả nhẽ chúng ta cứ mũ ni che tai, không tuân theo chuẩn mực toàn cầu? Chả nhẽ nói đến hội nhập thì thích nhưng bảo chấp nhận sân chơi, cọ xát quốc tế thì lại ngại?