> Một phút 'anh hùng rơm' trả giá bảy năm tù
> Trải lòng sau song sắt: Mất tuổi xuân sau cuộc 'giải cứu'
Gặp Kiên ở trại giam Thanh Xuân. Nhìn Kiên chẳng có vẻ gì ngang ngạnh hay lạnh lùng của kẻ thủ ác. Kiên có nét chân chất của trai làng lam lũ. Cậu có khuôn mặt vuông vức, dáng người dong dỏng, nước da sạm nắng, giọng nói đặc tiếng quê vùng Thanh Oai, Hà Nội…
“Lúc ấy em bực quá. Em cầm cái thước cũng chỉ định vụt vào bả vai ông ấy để dọa đuổi ông ấy về. Ai ngờ đánh trúng thái dương, ông ấy ngã vật ra đất”.
Bằng chất giọng rủ rỉ, có phần e dè, Kiên kể về gia cảnh của mình. Bố mất sớm, nhà còn lại ba mẹ con và bà nội đã ngoài 80 tuổi. Kinh tế gia đình trông cậy vào tiền công đi làm phụ hồ của Kiên và những đồng ít ỏi thu được từ ba sào rau màu của mẹ.
Chia sẻ với cảnh khó khăn nhà cậu, nhiều người đã giúp đỡ, trong đó có ông Huấn, người bạn của bố. Ông ấy đã vợ con đề huề, nhưng lại nảy sinh tình cảm với mẹ Kiên. Lâu dần, hai người thường xuyên qua lại.
Điều này làm Kiên cảm thấy xấu hổ và tỏ thái độ phản đối mối quan hệ tình cảm này. Tuy nhiên, bi kịch chỉ xảy ra tối 14/11/2011.
Kiên nhớ lại, khoảng 21 giờ tối hôm ấy, ông Huấn đến nhà gặp mẹ cậu. Giữa hai người có xích mích, ông Huấn kéo tay mẹ Kiên ra đầu ngõ đòi nói chuyện riêng, nhưng mẹ Kiên từ chối. Bực tức, ông Huấn lớn tiếng quát nạt, dùng sức mạnh thay cho lời nói. Chứng kiến cảnh đó, Kiên cầm chiếc thước gỗ to dài dùng trong xây dựng, chạy ra sân bênh mẹ và lời qua tiếng lại đuổi ông Huấn về.
…Đùng cái, quanh nhà Kiên ầm ĩ tiếng nói, tiếng chân giục giã đưa người đi cấp cứu. Lảng ánh mắt vào phía trong tường, Kiên nói: “Em vụt có một cái, rồi thấy ông ấy ngất, em liền hô hoán mọi người đưa ông ấy đi bệnh viện Thanh Oai, sau chuyển về Việt Đức. 3h chiều hôm sau thì ông ấy mất, em ra xã đầu thú…”.
Bình tĩnh hơn…
Đã hơn hai năm kể từ cái tối định mệnh ấy, Kiên vẫn sốc. Nằm trong trại, thi thoảng cậu lại ám ảnh với hình ảnh nạn nhân ngã vật xuống đất và cảm giác lúc ôm ông ấy chở đến bệnh viện cấp cứu. “Em vẫn không thể tin là mình đã cướp sinh mạng của một người khác”. Ngày trước đi học chẳng bao giờ bị cô giáo nhắc nhở vì hạnh kiểm yếu kém. Kiên bảo, “con trai hay nghịch ngợm, đánh nhau, nhưng em thì không. Trong nhà, cũng không ai nóng tính, bố em trước sống hiền lắm”.
Kiên chua xót: “Nhiều lúc em cũng thấy sợ giây phút nóng giận, mất kiềm chế của bản thân. Một chút nóng giận, thiếu kiềm chế, em đã mất 13 năm của tuổi trẻ. Bình tĩnh giải quyết, đâu đến nỗi…”. Hối hận tội lỗi của mình, anh trai làng ham làm, mong miếng ăn đủ đầy như Kiên lại dằn vặt khi nghĩ về gia đình. “Em gái còn nhỏ, bà nội đã hơn 80, giờ mọi việc đặt hết lên vai mẹ. Cả nhà trông chờ vào ba sào ruộng rau màu. Nhà đã khó khăn giờ lại gặp thế này”.
Trong trại Thanh Xuân, Kiên được phân về đội khâu bóng. Được sự quan tâm của cán bộ quản giáo và công việc khâu bóng, cậu đã bình tâm hơn và học được sự nhẫn nại, kiềm chế. “Qua thời gian cải tạo, em đã mềm tính đi hơn, không còn bồng bột, nóng nảy như ngày trước nữa”.
Định hỏi Kiên, rằng đã nghĩ ngày ra tù làm gì chưa, nhưng tự thấy đích đó còn xa khi nghe cách cậu tính thời gian thụ án. “13 năm dài lắm. Một ngày trôi qua là thời gian thụ án của em bớt đi một ngày. Ngày nào cũng có người hết án, em cũng suy nghĩ nhiều. Đôi mắt có hàng mi dài như con gái vẫn nhìn xuống mặt bàn bằng kính như soi bóng mình, Kiên trấn an bản thân: “Giờ lo cải tạo đã, cuốc mãi cũng nên bờ, đi lâu cũng đến ngày về”.
Một lúc thiếu kiềm chế, Kiên đã đặt 13 năm tuổi trẻ vào sau song sắt nhà giam. Một cái giá thật đắt để cậu sửa mình và chuộc lại lỗi lầm.
Còn nữa
… Chiều ngả bóng hắt ánh sáng cuối cùng vào căn phòng trại giam khiến chuyện của Kiên thêm buồn với những tiếng thở dài nặng trĩu. Buồn, nặng trĩu như thời gian thụ án tội giết người của Kiên là 13 năm tù. Đến giờ, Kiên mới thụ án được hai năm, còn hơn chục năm nữa…
Do ưu tiên liền mạch thông tin loạt bài “Trải lòng sau song sắt” nên trang Người lính có một số xáo trộn. Mong bạn đọc thông cảm!
Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống như cái nhìn được cho là đểu, một xích mích tại cuộc sinh nhật… nhiều thanh niên sẵn sàng đánh nhau và cướp đi mạng sống của người khác. Tội ác đến từ đâu? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên Tiền Phong đến Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), gặp một số phạm nhân trẻ đang cải tạo tại đây và ghi nhận sự trải lòng của họ.