Mong ‘tiếng Việt Nam vang lên trên từng ngôi nhà’ khắp thế giới

TPO - “Tôi tưởng tượng một buổi sáng nào đó, ở một quốc gia nào đó, người ta ăn hạt gạo và nói rằng đây là gạo Việt Nam, người ta ăn cá và nói rằng đây là cá Việt Nam, người ta ăn xoài và nói rằng đây là xoài Việt Nam. Như vậy, tiếng Việt Nam vang lên trong từng ngôi nhà trên thế giới 8 tỷ người”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Như Ý)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, diễn ra sáng 10/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, ông tới dự hội nghị lần này mang theo lời tri ân của hàng triệu hộ nông dân, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nông nghiệp đối với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã góp phần tạo nên một năm thành công, đưa nông sản của bà con nông dân kèm theo hình ảnh của đất nước và tiếng nói Việt Nam ra thế giới.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thành tích hơn 53 tỷ USD xuất khẩu nông sản, xuất siêu hơn 9 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng xuất siêu của nền kinh tế trong năm 2022, cho thấy trong khó khăn, sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao, chúng ta có thể làm nhiều hơn những gì đã đặt ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng những con số đó chưa nói lên hết ý nghĩa của câu chuyện xuất khẩu nông sản.

“Tôi tưởng tượng một buổi sáng nào đó, ở một quốc gia nào đó, người ta ăn hạt gạo và nói rằng đây là gạo Việt Nam, người ta ăn cá và nói rằng đây là cá Việt Nam, người ta ăn xoài và nói rằng đây là xoài Việt Nam. Như vậy, tiếng Việt Nam vang lên trong từng ngôi nhà trên thế giới 8 tỷ người”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông nói điều đó để nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của mua bán nông sản không chỉ đơn thuần là con số hữu hình mà còn là cảm xúc vô hình, trong đó là hình ảnh, thương hiệu quốc gia, trong đó nông nghiệp là lợi thế quốc gia.

Ông Hoan nhắc lại chuyện nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang theo trái quýt unshu và trao tận tay Thủ tướng, cho thấy một quốc gia dù đã bước sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn coi trọng quảng bá hình ảnh nông sản như thế nào.

Theo Bộ trưởng, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam cần chuyển đổi để phù hợp với đặc điểm thị trường, phải điều chỉnh khi xúc tiến nông sản, thương mại với từng thị trường và văn hóa tiêu dùng.

Ông cho rằng, trong một thế giới biến động phức tạp và mơ hồ, nông nghiệp đứng trước những nguy cơ vì biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng thế giới, những biến số đó khiến ngành nông nghiệp không thể đứng yên mà phải chủ động thích ứng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chủ động của Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khác.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” rất đúng với xuất khẩu nông sản. Vì vậy, ông đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mỗi lần tổ chức các sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước ở nước ngoài nên mang theo nông sản, cùng với các sản phẩm du lịch, để các sản phẩm bổ sung cho nhau, giúp chúng ta quảng bá được nhiều hơn trong những chuyến đi chung như vậy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian qua, khi thẻ vàng IUU đang treo lơ lửng trên đầu, các cơ quan đại diện ở nước ngoài rất quan tâm vấn đề này.

Ông cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch để các bộ, ngành góp ý và Thủ tướng phê duyệt, từ đó nhìn nhận thị trường dưới góc độ phức tạp hơn, trong đó coi truy xuất nguồn gốc là vấn đề sống còn, coi trọng sự gắn bó giữa đầu vào và đầu ra của thị trường.

“Những thông tin thị trường từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần sớm chuyển cho chúng tôi để chúng tôi xử lý khâu chuẩn bị. Nhiều khi chúng ta mở cửa được thị trường rồi mà không có sản phẩm đáp ứng được thì rất lãng phí”, ông nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp hiện đại cần dựa vào khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ gen. Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hỗ trợ, không chỉ quảng bá nông sản, mà còn đưa những mô hình nông nghiệp, tri thức từ đội ngũ khoa học Việt kiều khắp nơi về nước, tạo nên nguồn lực lớn cho đất nước.