Mông Cổ nuôi hy vọng trở thành một tâm điểm trên bản đồ ngoại giao thế giới khi có dự đoán Ulan Bator là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng nay giấc mơ đó dường như đã tan biến.
Mọi việc bắt đầu một cách đầy hứa hẹn khi Mông Cổ từ lâu nỗ lực khẳng định mình là một quốc gia trung lập và duy trì quan hệ tốt đẹp với cả khu vực, trong đó có Triều Tiên. Dự đoán về việc Mông Cổ có thể trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bắt đầu khi cựu Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj chớp ngay thông báo của Tổng thống Trump hồi tháng 3 rằng ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Có lẽ ông Elbegdorj cảm thấy rằng một hội nghị thượng đỉnh thành công ở Ulan Bator sẽ đưa đất nước chỉ có 3 triệu dân này lên vị trí vững chắc trên bản đồ ngoại giao. Ulan Bator phù hợp nhất để đón hội nghị thượng đỉnh này, ông Elbegdorj nói hồi đó.
“Mông Cổ sẽ là bên thứ ba trung lập. Chính sách này giúp Mông Cổ trở thành ‘Thụy Sĩ của châu Á’. Hòa bình thế giới và khu vực là sứ mệnh quan trọng nhất của Mông Cổ”, cựu Tổng thống Elbegdorj nói. Đương kim Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga cũng lên tiếng ủng hộ. Sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều ngày 27/4, ông Battulga ca ngợi sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un và khẳng định tầm quan trọng của tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đối với cả khu vực. “Sự kiện này là bước đi quan trọng nhằm duy trì hòa bình và an ninh không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả ở Đông Bắc Á và thế giới. Tôi tin rằng lịch sử 70 năm hữu nghị giữa hai nước chúng ta, nền tảng quan hệ mạnh mẽ do các nhà lãnh đạo Mông Cổ và Triều Tiên gây dựng sẽ được củng cố hơn trong tương lai”, ông Battulga viết gửi ông Kim.
Từ lúc đó, chưa có địa điểm hay thời gian chính thức nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim được Washington hay Bình Nhưỡng thông báo. Nhưng Tổng thống Trump đã gợi ý rằng ông thích khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngày 30/4, ông viết trên Twitter: “Nhiều quốc gia đã được cân nhắc cho cuộc gặp, nhưng liệu Nhà Hòa bình/Nhà Tự do ở biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc là địa điểm có tính đại diện hơn, quan trọng hơn và bền vững hơn một quốc gia thứ ba? Chỉ hỏi thôi!”
Giờ đây, hầu hết giới quan sát đều coi DMZ là địa điểm dễ được chọn hơn vì cả chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc đều hoan nghênh gợi ý của ông Trump. Nhưng vẫn còn một chút hy vọng mong manh ở Mông Cổ. Nếu vì lý do nào đó mà DMZ không được chọn, thủ đô của Mông Cổ cũng dễ được cân nhắc. Mông Cổ từng đón lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên năm 2005. Và sự kết nối về đường sắt giữa Bình Nhưỡng với Ulan Bator cũng giải quyết được lo ngại về đội tàu bay già nua của Triều Tiên và khả năng đưa ông Kim đến địa điểm hội nghị an toàn. Báo chí Mông Cổ đưa tin về những cuộc gặp chính phủ cấp thấp giữa Triều Tiên và Mỹ diễn ra ở Mông Cổ gần đây, khi hai nước khởi động quá trình chuẩn bị.
Anh Ogi, 35 tuổi, làm nghề bán tranh sơn dầu trước tòa nhà quốc hội Mông Cổ, vẫn hy vọng Ulan Bator sẽ có cơ hội trở thành tâm điểm chú ý. “Cả thế giới sẽ nhìn về Mông Cổ”, anh nói. Nhưng anh Chintushig Boldsukh, phóng viên làm việc cho một tờ nhật báo tiếng Anh ở Ulan Bator, ít lạc quan hơn. “Nhiều người đang thất vọng, tôi cũng vậy. Đó sẽ là cơ hội lớn để Mông Cổ gia nhập nhóm các quốc gia trung lập như Thụy Sĩ và Thụy Điển”, anh nói.
Cũng có băn khoăn rằng hội nghị thượng đỉnh này có thể trở thành một con dao hai lưỡi. “Tất nhiên đó sẽ là cơ hội lớn… nhưng cũng sẽ gây tranh cãi. Sẽ có những người phản đối việc đón hai nhà lãnh đạo như vậy đến Mông Cổ”, anh Sarnai, một thợ pha cà phê tại một hàng café đông đúc ở Ulan Bator, nhận định. Nhưng khả năng xảy ra biểu tình ở Mông Cổ là thấp, mà chỉ có một số người lo có thể ảnh hưởng đến giao thông. “Người Mông Cổ đa số không ghét ông Trump và có quan điểm tích cực hơn về Triều Tiên so với ở các nước khác”, phóng viên Boldsukh đánh giá.