Dạy học trong ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, đa khuyết tật, cô Hà cho rằng, có lẽ yêu thôi không đủ. Cô còn dạy các em bằng chính tình thương rất bản năng của mình
Hiện tại,cô làm chủ nhiệm lớp 3B1 với 17 học sinh thì có 4 bạn khuyết tật rất nặng.
Cái khó của giáo viên dạy học ở trường Xã Đàn, theo cô Hà, ngoài việc chuyên môn còn phải theo học ngôn ngữ ký hiệu.
“Việc học thường diễn ra ngoài giờ, tranh thủ cuối tuần và học dần dần. Mình dạy các con kiến thức, nhưng các con dạy lại mình ngôn ngữ của người khiếm thính. Rất nhiều điều, cô học từ chính các con”- cô Hà cho biết.
Cô Hà cũng cho rằng, dạy học sinh bình thường đã khó, dạy học sinh khuyết tật càng khó hơn. Mệt mỏi áp lực là rất nhiều.
"Để giải tỏa những áp lực trong công việc, thói quen của tôi ra hành lang đứng ngắm hoa, hít một hơi thật sâu, lấy lại cân bằng rồi lại quay vào lớp tiếp tục công việc"- cô Hà bộc bạch.
Nói về kỉ niệm đẹp trong những năm dạy học, cô nhắc tới cô học trò nhỏ tên Trang, học với cô Hà từ những năm đầu cô về trường.
“Trang là một học sinh khiếm thính. Vừa rồi kỷ niệm 40 năm thành lập trường, cô bé chủ động gặp tôi vì nhận ra cô giáo của mình, còn tôi thì phải lục lại ký ức một lúc mới nhớ ra em. Em mang món quà nhỏ là đôi tất chân đến tặng tôi, thật ấm áp vô cùng vì sau chừng ấy năm, cô học trò nhỏ vẫn nhớ đến tôi và dành cho tôi một cái ôm thật chặt” - cô Thu Hà nghẹn ngào nhớ lại.
Với cô Hà, điều xúc động nhất chính là giờ đây Trang đã trở thành một phụ nữ trưởng thành, có công việc ổn định, có gia đình nhỏ với một cậu con trai xinh xắn. Đây chính là món quà lớn nhất mà nghề giáo mang lại cho cô.
Chia sẻ chân thành về những thiệt thòi khi dạy cho những học sinh đặc biệt này, cô Hà cho rằng, đầu tiên chính là áp lực trong công việc.
“Tôi chỉ mong mình và đồng nghiệp có đủ sức khỏe, vì có sức khỏe mới theo nghề được”- cô Hà chia sẻ mong muốn trong ngày tri ân nhà giáo.