> Ai được cấp súng thực thi nhiệm vụ?
> Nổ súng bắn người chống đối: Làm sao tránh lạm dụng?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ trao đổi với PV Tiền Phong hôm qua, xung quanh Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Trong Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ đã quy định 7 trường hợp được phép nổ súng, vậy việc xây dựng một quy định khác liệu có cần thiết không, thưa Thiếu tướng?
Theo tôi là rất cần thiết, bởi Pháp lệnh mới quy định một số trường hợp mang tính chất chung, chưa đáp ứng được hết những tình huống dẫn đến nổ súng. Do đó, khi xây dựng Pháp lệnh quản lý vũ khí, chúng tôi cũng đề xuất Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể để phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Việc Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định trên nhằm tạo hành lang pháp lý cho CBCS làm nhiệm vụ độc lập tự bảo vệ tính mạng của mình, người khác và tài sản quốc gia.
Vì sao khi xây dựng Pháp lệnh không quy định luôn?
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có hàng nghìn tình huống dẫn đến việc lực lượng chức năng phải nổ súng, hoặc có thể nổ súng. Nhưng trên thực tế hiện nay nhiều CBCS có tâm lý “ngại” sử dụng súng, vì khi viên đạn ra khỏi nòng sẽ gắn với trách nhiệm giải trình rất khắt khe; nổ súng trong trường hợp không cần thiết sẽ phải chịu kỷ luật hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù bây giờ mới là dự thảo Nghị định, nhưng khi quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ được ban hành, người thi hành công vụ sẽ xác định rõ hơn trường hợp nào được phép nổ súng.
Về dự thảo Nghị định, có những ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền, vì trên thực tế đã xảy ra việc người thi hành công vụ nổ súng trong trường hợp không cần thiết, như vụ cảnh sát bắn chết con bạc ở Bắc Giang, CSGT bắn thủng đùi người vi phạm giao thông ở Thái Nguyên...
Đúng là thực tế có cán bộ nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc nổsúng vào trường hợp không phải tội phạm, song theo tôi đây chỉ là những trường hợp hy hữu.
Tôi ở địa phương lên (Thiếu tướng Trần Văn Vệ nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình - PV), từng tham gia chỉ đạo thi hành án tử hình, có cán bộ thi hành án run, bắn trượt... vì thế mới nói, nổ súng bắn người đâu có dễ, nên không lo xảy việc lạm quyền.
Khi quyết định nổ súng vào tội phạm còn phải cân nhắc nhiều điều, ngoài quy định còn là lương tâm con người với nhau… Nếu người thi hành công vụ cố tình vi phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền. Tôi nghĩ dự thảo Nghị định sẽ được quy định chặt chẽ, đảm bảo không trái Pháp lệnh cũng như không để kẽ hở dẫn đến việc lạm quyền.
Thiếu tướng nói có cả nghìn tình huống dẫn đến việc nổ súng, vậy phải chăng việc nổ súng phụ thuộc chính vào ý thức, nhận thức của CBCS tại hiện trường?
Đúng, nhưng phải có hướng dẫn cho CBCS biết tình huống nào nổ súng là đúng luật, để dám làm và được làm. Như đối tượng đe dọa trực tiếp tính mạng của mình mà không còn biện pháp chống trả nào khác thì được nổ súng. Ví dụ trường hợp báo Tiền Phong nêu, có một nhóm đối tượng lao thẳng ô tô vào một Đội phó Cảnh sát hình sự quận Hai Bà Trưng, dùng dao tấn công các cán bộ còn lại… Trong trường hợp này, cảnh sát được phép nổ súng trực tiếp vào đối tượng để bảo vệ tính mạng của mình và những người khác.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay lực lượng bị chống đối nhiều nhất là CSGT, vậy lực lượng này sẽ có quyền hạn tới đâu trong việc nổ súng?
Bất kể là lực lượng nào cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu trường hợp đối tượng tấn công không gây nguy hiểm cho tính mạng CBCS hoặc người khác thì không được bắn.
Cảm ơn Thiếu tướng!
Bắn hay không, phải quy định cụ thể
Ông Vũ Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp: “Cần có những quy định cụ thể, như ngăn chặn đối tượng giết người, cướp của bỏ chạy thì nên cho phép công an có thể bắn ngay. Đây là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, không thể vừa đuổi theo vừa hô, vừa bắn chỉ thiên, như thế tội phạm có thể chạy thoát và tiếp tục gây nguy hiểm cho người khác.
Còn những trường hợp vi phạm hành chính (như vi phạm giao thông) thì không thể cho phép dùng súng. Thậm chí người vi phạm giao thông bỏ chạy cũng không nên truy đuổi, bởi có thể gây nguy hiểm cho người khác”.