Mỏi mòn đợi chính quyền quận thực hiện lời hứa

TP - Năm lần bảy lượt đại diện chính quyền quận Bình Tân (TPHCM) hứa giải quyết cưỡng chế đối tượng đã “nhảy dù” chiếm dụng bất hợp pháp phần đất của một người dân nhưng đến nay mọi việc vẫn dây dưa.

Không chỉ “nhảy dù” chiếm đất bà Lệ dựng nhà, ông Trần Văn Ân còn ngang nhiên cho người khác thuê đất bà Lệ kinh doanh khu vui chơi giải trí.

Chiếm dụng đất

Ngày 14/8, báo Tiền Phong có bài: “Biết sai vẫn không giải quyết”, phản ánh sự tắc trách của UBND quận Bình Tân, TPHCM khi bà Trương Nhật Lệ ở quận này 9 năm ròng rã đi đòi phần đất thuộc chủ quyền của mình vốn bị người khác chiếm ở nhưng không được giải quyết.

 Mới đây, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Phước Bình, Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho rằng trong quá trình xử lý gặp không ít khó khăn vì hiện nay số nhân khẩu ở cùng ông Trần Văn Ân - người nhảy dù vào ở trên đất của bà Lệ đã lên đến 15 người. Ông Ân đã ở đây từ năm 2009 đến giờ, thời gian quá lâu rồi nên cũng quá thời hạn xử phạt. “Đại khái là ban đầu, người chủ đất trước thuê ông Ân trông giữ đất nhưng sau đó thì ông Ân lại ở đây luôn” - ông Bình cho hay.

Ngược với phát biểu của phó chủ tịch phường, bà Trương Nhật Lệ, chủ của mảnh đất bị ông Ân chiếm dụng nói trên cho biết, trước đây, khi bà chưa mua mảnh đất này, bà không biết có ai thuê ông Ân trông coi đất hay không. “Năm 2007, tôi nhận chuyển nhượng đất từ ông Trực Vi Toàn và thời điểm đó không bị ai chiếm dụng. Đến năm 2008, tôi tiến hành rào đất thì phát hiện gia đình ông Ân đã “nhảy dù” vào dựng nhà. Tôi yêu cầu ông ra khỏi đất tôi thì gia đình ông ấy không đi, còn vác dao dọa chém lại. Hồ sơ vụ việc được chính quyền điều tra đều thể hiện điều này”, bà Lệ bức xúc.

Trong khi đó, ông phó chủ tịch phường Bình Hưng Hòa cũng cho biết, gia đình ông Ân sinh sống trên địa bàn phường nhưng không có giấy tạm trú. “Chúng tôi thừa nhận đây là một thiếu sót trong quản lý” - ông Bình nói và cho biết thêm công an phường đã xác nhận cả 15 nhân khẩu đều không khai báo tạm trú.

Đừng thất hứa với dân

Bà Trương Nhật Lệ cho biết, suốt 9 năm qua, mỗi lần bà ôm đơn khiếu nại, là mỗi lần chính quyền trả lời bà “chúng tôi đang giải quyết”, hoặc “qua lễ chúng tôi sẽ thực hiện”. Bà cứ hy vọng rồi mòn mỏi đợi ngày công trình vi phạm của ông Ân được cưỡng chế nhưng thực tế kết quả là khu đất nhà ông Ân lấn chiếm ngày càng phình to ra cả về diện tích lẫn nhân khẩu, còn chính quyền vẫn “án binh bất động”.

Tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong được biết, đã nhiều lần chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND phường Bình Hưng Hòa lên kế hoạch và phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm của ông Ân rất cụ thể, thế nhưng không hiểu sao lại không thực hiện.

Làm việc với Tiền Phong cách đây gần 2 tháng, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng tiếp tục hứa, rằng sẽ rốt ráo giải quyết vụ việc của bà Lệ. “Trước mắt, phường và quận sẽ xuống vận động ông Ân tháo dỡ. Nếu không chấp hành thì địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng không phép này trong tháng 9/2017” - ông Nhựt nói. Tuy nhiên, gần 2 tháng trôi qua mọi việc vẫn đứng yên tại chỗ. Đến nay, 15 người trong gia đình ông Ân vẫn ngang nhiên sinh sống trên đất bà Lệ, thậm chí ông Ân tiếp tục cho người khác thuê đất bà Lệ kinh doanh bán hàng và làm khu vui chơi giải trí.

UBND phường muốn bà Lệ hỗ trợ 500 triệu đồng

Tại cuộc họp giữa bà Lệ với UBND quận Bình Tân ngày 30/3/2017, cơ quan này đưa ra phương án cưỡng chế là phường Bình Hưng Hòa sẽ hỗ trợ ông Trần Văn Ân 3 tháng tiền thuê nhà, với số tiền tương đương 15 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Trong trường hợp nếu ông Ân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, phường sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp với phường Bình Hưng Hòa vào ngày 19/4, số tiền hỗ trợ sau khi phường đứng ra làm “cầu nối” đã lên đến 500 triệu đồng. Số tiền này, theo bà Lệ, là tiền mà bà đề xuất hỗ trợ lực lượng cưỡng chế vì nghe phường than lực lượng mỏng, không thể làm gì,… Nhưng sau đó đi vào biên bản cuộc họp lại biến thành “bà Lệ đề xuất hỗ trợ ông Ân”. “Tại sao lại có chuyện phi lý đến như thế? Bây giờ ai nhảy vào dựng lều trên đất của tôi thì tôi đều phải có trách nhiệm hỗ trợ cả mấy trăm triệu đồng để di dời hay sao?”- bà Lệ nói.