Ngay từ 6 giờ sáng ngày 3/2, tại các máy ATM thuộc Khu công nghệ cao (quận 9), Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12), khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức)... đã xuất hiện cảnh tượng người dân xếp hàng chờ đến lượt rút tiền.
Chị Lan Phương, cư ngụ tại quận 12, cho biết theo dõi thông tin từ báo đài cũng như cập nhật các khuyến nghị của chuyên gia là tránh rút tiền vào giờ cao điểm sẽ gặp khó khăn, do đó từ sáng sớm chị đã tranh thủ đến các máy ATM rút tiền để mua sắm Tết. Tuy nhiên, khi đến máy ATM tại đây thì đã có vài người còn đến sớm hơn, nên phải xếp hàng và chỉ hy vọng đến lượt mình "còn tiền để rút."
Tương tự, anh Nguyễn Thiên Thơ, cư ngụ tại quận Thủ Đức chia sẻ trong những ngày này, rút tiền ở máy ATM nào cũng phải chờ từ 15 phút đến hơn nửa tiếng, có khi đến lượt mình thì máy báo "hết tiền" hoặc "lỗi kỹ thuật."
Bên cạnh đó, cuối năm người dân có nhu cầu rút tiền rất lớn với số lượng nhiều, nhưng quy định rút tiền tại máy ATM trung bình chỉ khoảng 3-5 triệu/lần và không quá 30-60 triệu đồng/ngày... cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "kẹt" máy ATM.
Theo các chuyên gia, với khoảng 85 triệu thẻ ATM và 16.000 máy ATM đang hoạt động, chỉ cần 10% chủ thể cùng rút tiền vào thời gian cao điểm thì không thể tránh được hiện tương quá tải hoặc xảy ra sự cố kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cơ quan chức năng liên ngành đang nỗ lực kiểm tra, giám sát hoạt động của các máy ATM trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở những "điểm nóng."
Mặt khác, do "ngại" các sự cố máy ATM, không ít người dân chọn lựa phương án ra tận các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại để được nhân viên ngân hàng hỗ trợ trực tiếp.
Do đó, dù đã vào những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân, nhưng các điểm giao dịch ở nhiều hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động nhộn nhịp, đặc biệt là những dịch vụ rút tiền, chuyển khoản.