Mơ về ngôi nhà và... những cây ngô!

TP - Khác với tưởng tượng của nhiều người về một vị “giáo sư” lù rù với mái tóc “rẽ luống” lúc nào cũng được chải chuốt nuột nà đi kèm với bộ râu ria nghiêm chỉnh và cặp kính đen bác học to sụ choán gần hết khuôn mặt, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay của chương trình “Hỏi xoáy - Đáp xoay” ở ngoài đời bụi bặm phong trần và trẻ trung hơn thế nhiều.

> 'Giáo sư Xoay' kể chuyện đi Trường Sa
> 'Đại học bôn ba' học mãi chưa tốt nghiệp

Tranh của Đỗ Hiệp.
 

Diện quần jeans bạc, áo pull màu, vai khoác balô, vị “giáo sư” nổi tiếng với tài “chém gió” vừa gặp đã nhoẻn cười lên tiếng: “Chắc lại tưởng thằng cha này già lắm hả”. Nói đoạn, anh chỉ vào chiếc điện thoại cầm tay rồi bảo: “Cũng phải thôi, vừa xong có đạo diễn gọi điện mời đóng phim, mà mời hẳn vào vai... ông bố U50, phụ huynh của đứa con cỡ... tuổi mình ở ngoài đời. Phải thanh minh mãi là em mới chớm 30 thôi, ngoài đời trẻ lắm mà họ cứ không tin. Éo le thế!”.

Nhiều hỗn danh gây “sốc”

Đến FPT hỏi Đinh Tiến Dũng làm công tác đoàn thể, thấy một vài khuôn mặt nghệt ra ngơ ngác: “Hỏi ai cơ?”. Xoay sang hỏi “GS Cù” thì tất thảy cười phá lên: “Dũng đê tiện chứ gì”. Hóa ra đấy là nickname của anh ở chỗ làm. Nghe đâu anh có nhiều hỗn danh gây “sốc” lắm, nào là Dũng vạc, Dũng lâm tặc... nhưng phổ biến nhất vẫn là Dũng đê tiện. Cái này nói như lời khổ chủ thì... không giải thích nhanh khéo oan to.

Nguồn cơn của cái biệt danh dễ gây hiểu lầm này là do ở FPT có kiểu đặt tên account (tài khoản) truy cập mạng Internet bằng cách viết tắt tên riêng kiểu như Trương Quý Hải là “haitq”, còn Đinh Tiến Dũng là “dungdt”. Ai dè chữ “dt” đứng sau đó lại quay sang “phản chủ” vì bị mọi người vui miệng đặt luôn là “đê tiện” để gọi cho dễ nhớ.

Lúc đầu bị gọi thế, anh cũng phát hoảng, nằng nặc nhận mình là “Dũng đẹp trai” nhưng dần dà lại thấy hay. Cũng bởi ở FPT lưu truyền một triết lý rất hay là khi làm bất cứ việc gì đều chọn xuất phát điểm là mốc khó khăn nhất. Ví như con số 13 mà mọi người hay quy kết là xui xẻo thì ở FPT lại là con số “thiêng”, lãnh đạo đều chọn tầng 13 để ngồi, tất cả các công ty con khi thành lập đều chọn ngày 13.

Hay như khi đi dự đám cưới một ai đó, người FPT luôn chúc “đây là ngày tồi tệ nhất đời bạn” với ngụ ý chuỗi ngày sau này sẽ ngày càng tươi sáng và hạnh phúc hơn. Thế nên “GS Cù” mới có lý do sung sướng và tự hào khi nhận mình là Dũng đê tiện (hoặc... điên tệ!).

Nom bên ngoài, “GS Cù” mày râu nhẵn nhụi trông trẻ hơn cả chục tuổi so với lúc lên hình. Anh tự nhận những lúc “hiện nguyên hình” ngoài đời thế này chẳn mấy ai nhận ra. Bạn bè lúc đầu xem tivi còn lăn tăn ông GS trường Đại học Bôn Ba này trông quen quen, nhang nhác...

GS Lê Văn Lan, chỉ khác cái râu tóc xồm xoàm. May ra có bác trông xe ở nhà văn hóa chỗ anh gửi thì nhận ra, có điều cũng phải hỏi đi hỏi lại xem có đúng thế không. Còn anh thì từ dạo nhận lời đóng vai “GS Cù”, mỗi lần về thăm quê lại phải ru rú ở nhà ít dám ra ngoài, cũng bởi hễ thò đầu ra khỏi cửa là bị hàng xóm láng giềng phàn nàn: “Ô ai lại để râu thế hả cháu, trông mày còn già hơn cả bố mày”.

Nghe thế, bố anh lại càng phản đối việc để râu và yêu cầu con trai mỗi lần về quê là phải cắt tóc cạo râu cho đàng hoàng. Có lần trót mang bộ dạng râu ria về, anh đành phải bao biện: “Tại con sắp lên hình, lên hình xong là con cắt”. Đâm ra lần sau về có trót nhỡ nữa thì thế nào cũng bị hỏi: “Thế mày vẫn chưa lên hình xong hả con?”.

Về khoản này, anh bảo chương trình không yêu cầu anh để râu cho ra “chất” Giáo sư, chỉ là anh thích để thế cho mình trông bớt trẻ, bớt ngô ngố và... đê tiện thôi. Tóc thì bao nhiêu năm nay anh có thói quen cắt ở một hiệu bình dân gần nhà, đùng một cái cửa hàng đó chuyển đi không để lại tung tích gì, đến giờ anh vẫn chưa “lùng” ra, lần lữa mãi nên tóc nó mới dài ra như thế!

"Giáo sư" Cù Trọng Xoay.
 

Kỹ sư Nông nghiệp, chuyên ngành cây trồng. Cái lý lịch trích ngang này xem ra chẳng liên quan gì đến chức vị “Giáo sư Cù” hiện thời của anh, nhưng ngẫm ra thì cũng có phần liên đới. Chả thế mà trong nhiều phần hỏi xoáy – đáp xoay, thi thoảng lại thấy anh “ngứa nghề” gài các thông tin về cây trồng, tên khoa học của chúng, rồi cả các loại gen di truyền thực vật vào nữa. Anh bảo đó là môn ngày xưa phải học... vật vã nhất nên nhớ lắm. Mà trở thành nhà nông học, đi bắt sâu bọ, trồng cây, chiết cành còn từng là ước mơ lớn trong đời của anh nữa kia.

Người ta đồn hồi còn đi học, anh được xếp vào hàng rủng rỉnh và ít khi nào “cháy túi”. Anh thì bảo “đồn gì, thật ấy chứ!” vì học thì ít mà “hành nghề” tay trái thì nhiều, từ viết kịch bản, chơi nhạc, đóng kịch, đạo diễn thuê cho các hội diễn từ trường đến phường, từ đoàn sinh viên đến câu lạc bộ hưu trí. “Tiếng thơm” khiến anh được nhiều người, nhiều nơi tín nhiệm mời mọc thế hóa ra bắt nguồn từ một vở kịch đầu tay giúp anh “khai quật” ra tài năng của mình.

 

Anh còn nhớ ngày còn nhỏ nhà ở khu tập thể, bố mẹ trồng đủ các loại cây, từ cây gia vị đến cây hoa. Riêng anh thì trồng hẳn hai cây ngô to, chăm bẵm cẩn thận ra trò, chỉ tội cây cao to, nhiều bắp nhưng ít hạt. Sau này ôn thi vào Đại học Nông nghiệp, nghe thầy giáo bảo chỉ cần nghĩ ra một giống lúa mới là đã có trong tay 10 tỷ đồng rồi, anh lại càng hăng máu liều học ngành Nông.

Đến khi thi đỗ, theo học mấy năm ròng rồi, anh lại nhận ra rằng “cỡ mình học ra mà đi chiết cây thì 10 cây khéo chết cả 10 nên tốt nhất là để ngành Nông nghiệp được yên chứ cố đấm ăn xôi lại thành ra... ăn hại”. Tuy vậy, đến giờ dù đã từ bỏ mơ ước trở thành nhà nông học nhưng anh vẫn mơ về ngôi nhà và những... cây ngô.

Mà mơ ước này xem ra hơi bị khó thực hiện vì muốn trồng ngô thì phải có nhà cửa vườn tược dưới mặt đất, trong khi anh thì lại đang ở nhà chung cư và không thể trồng ngô... trên không.

Không chỉ “hỗn danh”, GS Cù còn rất đa tài. Hồi nhỏ thấy con trai hay vẽ... bậy, bố anh cho đi học vẽ đâm ra giờ có chút vốn liếng về hội họa. Anh cũng biết đánh đàn guitar, đánh trống và một vài loại đàn khác nữa. Thời sinh viên, anh với mấy người bạn còn rủ nhau thành lập ban nhạc, lấy tên là RTC, nói vui là “rượu thịt chó”, tức là có bao nhiêu cát sê đều quy ra hai món đấy hết.

Hồi sinh viên, anh được giao làm kịch bản cho hội diễn văn nghệ khoa. Bí quá không biết làm thế nào, anh với mấy người bạn nhảy tàu đi Yên Bái chơi. Thời đó có thú vui nhảy tàu “chùa” tức là trốn vé, mỗi lần có nhân viên soát vé đến thì cả hội lại chạy vào phòng vệ sinh trên tàu để trốn.

Lần đó, anh cũng chạy nhưng chậm chân, đến nơi gõ cửa đã thấy 4-5 chú đứng chật kín trong đó rồi, đành quay ra căng tin ngồi uống bia. Cứ thế, mỗi lần bị soát vé là anh lại... uống bia. Tàu đến Yên Bái thì tính ra tiền uống bia còn quá tiền vé, đã thế lại còn say la đà. Lúc về sợ bị... say nữa, anh biết điều mua vé cho yên thân, ngồi trên tàu đọc sách thế nào bỗng nảy ra ý tưởng viết kịch bản, thế là lấy giấy bút ra hí hoáy, nhoằng một cái về đến Hà Nội cũng vừa xong.

Ai dè kịch bản này sau khi dựng thành vở lại được... vô khối giải, từ giải Nhất ở hội diễn khoa đến trường. Được chọn gửi đi thi cấp thành phố, anh ẵm liền một lúc ba giải Vàng dành cho đạo diễn, diễn viên và vở kịch. Từ đó bắt đầu có chút tiếng tăm và được các cơ quan đoàn thể “đặt hàng” viết lách. Đấy, chuyện nó là như thế.

Sau này đầu quân về FPT, anh được xếp vào hàng “quái kiệt” và bị đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát hiện ra nên “câu” về viết kịch bản cho chương trình “Gặp nhau cuối năm” suốt nhiều năm qua.

Trả lời nhẹ tênh toàn câu “hóc” trên tivi nhưng GS Cù “tự thú” ở ngoài anh thường xuyên bị “bí” với đủ các thể loại câu hỏi, lãnh đạo thì hỏi sao chậm nộp kế hoạch thế, sao đi làm muộn thế, bạn bè thì vặn sao dạo này mất mặt thế, còn nhiều khán giả nhỏ bắt gặp ngoài đường thì túm lại hỏi: “Thi vào trường Đại học Bôn Ba như Giáo sư thì thi khối gì?”. Những lúc như thế, đừng ngạc nhiên nếu thấy anh im lặng và bẽn lẽn cười rất duyên!

Thương hiệu Cù Trọng Xoay đã có... "hàng nhái"

“Giáo sư” Cù tên thật là Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1981 và cầm tinh con gà. Sau khi được phong hàm “Giáo sư” trong chương trình “Hỏi xoáy, đáp xoay”, anh hiện đang là nhân vật bị giới trẻ “săn lùng” nhiều nhất mà chung quy cũng chỉ để thắc mắc đủ chuyện... trên trời dưới bể.

 

Minh chứng là cái tên Cù Trọng Xoay xuất hiện ồ ạt trên các diễn đàn và mạng xã hội, thương hiệu Cù Trọng Xoay đã có... “hàng nhái” khi liên tiếp các trang blog cá nhân trên cả Yahoo lẫn Facebook dưới tên gọi “Cù Trọng Xoay” sòn sòn ra đời.

Ở Facebook thậm chí còn có “Hội những người phát cuồng vì GS. Cù Trọng Xoay” mà ở đó mỗi ngày vị giáo sư này nhận được cả vài trăm câu hỏi từ rất bình thường đến... bất bình thường, kiểu như: Tại sao Hà Nội lại có 36 phố phường, làm thế nào để cài GPRS trên điện thoại, luộc rau muống thế nào để không ngót... đến nhờ GS chỉ giùm cách thông cống nhà vệ sinh, tại sao khi không yêu nhau nữa người ta lại gọi là chia tay mà không phải là... chia chân, làm thế nào để phân biệt trứng đực và trứng cái, thành phần óc chó có gì khác óc mèo, tại sao khi cầu hôn người ta lại phải quỳ...

Nhiều thông báo nhặt được của rơi, giấy tờ thất lạc cũng được đăng ở đây kèm theo lời “xin xỏ”: “Sorry Giáo sư cho em xin tí đất thông báo, tại anh có mấy nghìn bạn cơ”. Nhảy vào trả lời không xuể, anh phát động phong trào ai vào trang này trả lời hộ mình đều là... “Giáo sư” hết. Nhiều tư liệu hay cho chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” cũng từ đấy mà ra!

Theo Báo giấy