Thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa:

Mỏ vàng từ các di sản

TP - Theo thống kê, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, tương đương khoảng 4% GDP. Mục tiêu của chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Di sản văn hóa được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều chuyên gia chỉ ra, nếu di sản bị khai thác một cách bừa bãi hoặc không được bảo tồn sẽ tác động trực tiếp tới công nghiệp văn hóa.

Những con số biết nói

Hàng trăm đại biểu là chuyên gia văn hóa, kinh tế trong nước và đại diện hàng chục quốc gia thành viên đã có mặt tại hội nghị quốc tế Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức trong hai ngày 5&6/8 tại Quảng Ninh.

Công nghiệp văn hóa đang hòa vào dòng chảy bất tận của nền văn hóa quốc gia để hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị thời đại mới. Hoạt động của ngành công nghiệp này dần có nhiều bước tiến lớn về cả quy mô, số lượng lẫn chất lượng. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương khoảng 4% GDP.

Ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam tăng từ 611 triệu USD năm 2002 lên 5,9 tỷ USD năm 2010, 6,4 tỷ USD năm 2015 và 14,2 tỷ USD năm 2020. Tính trung bình giai đoạn 2011-2020, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo Việt Nam tăng 9,23%, cao hơn so với mức tăng của tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của thế giới (2,28%/năm).

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết, đóng góp của công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế không chỉ thể hiện ở giá trị xuất khẩu và đóng góp vào GDP mà còn ở việc tạo việc làm, quảng bá hình ảnh quốc gia, thu hút du khách quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia và tạo tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.

“Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh… ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Ngành thủ công mỹ nghệ trong nước thu hút khoảng 1,5 triệu lao động”, ông Nguyễn Hoa Cương cho biết.

Di sản văn hóa được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam

Các tác phẩm, sản phẩm có nguồn gốc từ văn hóa vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa là “quyền lực mềm” về chính trị, kinh tế, xã hội, quảng bá hình ảnh, con người, sản phẩm thương mại của quốc gia. Đạo diễn Nguyễn Việt Tú nêu một vài ví dụ nổi bật: chuỗi công viên Disneyland đón 100 triệu lượt khách/năm, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm trực tiếp, gián tiếp tại các địa phương có công viên này. Chuyến lưu diễn Eras Tour của ca sĩ Taylor Swift mang lại cho thành phố Los Angeles 320 triệu USD, khu vực Bắc Mỹ là 2,2 tỷ USD… Các con số thống kê này lớn hơn GDP của rất nhiều quốc gia.

Giá trị vô giá của di sản văn hóa

Ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Việt Nam không thiếu các giá trị độc đáo để làm cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên việc tìm kiếm các giá trị văn hóa này, đầu tư và thực sự biến chúng thành tiền đề phát triển không phải là nhiệm vụ đơn giản.

“Nếu không sớm xác định được tài sản văn hóa thì quá trình đô thị hóa, bê tông hóa và sự đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn. Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng, nhưng khi văn hóa là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại”, ông Lê Quốc Minh nêu.

Đẩy mạnh đăng ký bản quyền

Trong một thế giới mà việc sao chép và phân phối các tác phẩm số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, việc đăng ký bản quyền trở nên cực kỳ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của nền công nghiệp văn hóa. “Khi các tác giả và nghệ sĩ biết rằng được bảo vệ về mặt pháp lý, họ sẽ có động lực để sáng tạo nhiều hơn, không ngại ngần trong việc đầu tư thời gian và công sức vào các dự án mới”, thạc sĩ Bùi Ngọc Trình, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn nêu.

Một số chuyên gia nhận định, hiện tại ở Việt Nam khi nói đến công nghiệp văn hóa nhiều người vẫn đang chỉ nhìn ở góc độ lý luận, phê bình mà chưa có mô hình tham khảo, đường hướng chiến lược, hệ thống đào tạo, chỉ số đo đếm cụ thể. Đạo diễn Việt Tú cho rằng, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có xu hướng tập trung vào khái niệm và lĩnh vực bảo tồn di sản, hay văn hóa dân tộc, trong đó lễ hội gần như là phương tiện biểu đạt duy nhất. Việc đo lường hiệu quả kinh tế như chỉ số về lượt khách đến, độ hài lòng của du khách, tần suất quay trở lại, số công ăn việc làm, hay GDP tạo ra cho địa phương có lễ hội… còn bỏ ngỏ.

“Chỉ cần thay đổi cách nhìn, coi đây là các tác phẩm, sản phẩm, hệ sinh thái trong nền công nghiệp văn hóa với cách tiếp cận khác thì cùng lúc chúng ta vẫn đạt được mục tiêu kép đó là quảng bá văn hóa, di sản, vừa mang tính giải trí thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và quốc gia”, đạo diễn Việt Tú nêu quan điểm.

Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam quá tập trung vào bảo tồn di sản, văn hóa dân tộc, chưa có nhiều mô hình cụ thể

Ông Tú cho rằng, cần sớm loại bỏ tư duy trông vào ngân sách như một bầu sữa để phát triển công nghiệp văn hóa. Ngân sách chỉ nên được sử dụng ở tầm vĩ mô như tạo ra các mô hình đào tạo con người, mô hình khởi nghiệp, các công trình nghiên cứu… “Việc sử dụng ngân sách công nhưng không hề có các chỉ số hiệu quả (KPI), chỉ số đo đếm chỉ tạo ra sự lãng phí và không hiệu quả. Bất kỳ ai sử dụng ngân sách cũng cần chịu trách nhiệm cho tính hiệu quả như các doanh nghiệp trên thị trường”, đạo diễn Việt Tú đề xuất.

Bên cạnh việc có sản phẩm, sản phẩm đó phải tạo ra được các chỉ số cụ thể và đóng góp vào nền kinh tế như một trụ cột chính. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa, lập chuyên ngành và tổ chức đào tạo nhân sự...

Nguồn nhân lực vẫn giữ vai trò nòng cốt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Tuy nhiên, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trọng điểm nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. “Những người thực hành sáng tạo các sản phẩm văn hóa thiếu kỹ năng quản lý, kinh doanh, kiến thức về công nghệ và tư duy sáng tạo. Trong khi đó, đội ngũ trong các doanh nghiệp dịch vụ sáng tạo lại thiếu kiến thức về vốn văn hóa, tư duy sáng tạo… Vì thế cần thiết phải có những chính sách cụ thể và cập nhật hơn, cũng như xây dựng mô hình giáo dục và phát triển nguồn nhân lực mới hiện đại, mang tính sáng tạo, có tầm nhìn và đủ năng lực”, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu.

Sự đầu tư bài bản, liên tục và đồng bộ giúp công nghiệp văn hóa tạo sinh kế cho người dân và sự phát triển kinh tế bền vững.