Mở rộng công khai tài sản quan chức

TP - Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi sẽ mở rộng từng bước việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Đề xuất công khai tài sản tại khu dân cư đối với một số nhóm đối tượng.
Việc kê khai tài sản liệu có bỏ lọt bất động sản của quan chức?. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Công khai tài sản tại khu dân cư là bình thường

Việc kê khai tài sản liệu có bỏ lọt bất động sản của quan chức?. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật PCTN sửa đổi) cho biết, sau khi xin ý kiến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ và góp ý của người dân, các nhà tài trợ, dự thảo luật đang được chỉnh sửa theo hướng mở rộng các nội dung, lĩnh vực cần công khai, minh bạch và công khai bản kê khai tài sản.

Cụ thể, đề xuất công khai bản kê khai tài sản tại khu dân cư đối với một số nhóm đối tượng cần giám sát, chẳng hạn người ứng cử đại biểu QH, HĐND.

Việc công khai này sẽ tạo điều kiện cho nhân dân giám sát. Tuy nhiên, việc công khai tại khu dân cư cần có lộ trình và đánh giá tác động từng bước thận trọng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện các ý kiến đều tương đối thống nhất là bổ sung quy định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.

Đã có quy định, nhưng trong quá trình tổ chức hiện vẫn có vướng mắc nên lần này quy định cụ thể trong Luật PCTN.

Ban soạn thảo luật cũng thống nhất theo hướng mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng kê khai là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị (không bao gồm nhóm đối tượng đảng viên là nông dân hoặc đã nghỉ hưu).

Ông Tuấn Anh cho biết, có ý kiến cho rằng quy định như vậy có mở rộng quá không và quản lý ra sao? Tuy nhiên với những quy định chặt chẽ về kê khai, công khai, xác minh tài sản trong luật thì việc quản lý bản kê khai không có gì đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự thảo Luật đã đề xuất xử lý kỷ luật người không giải trình được một cách hợp lý phần tài sản, thu nhập tăng thêm đã kê khai.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý là vấn đề phức tạp cả về pháp luật và thực tiễn, cần có thời gian nghiên cứu thêm cùng quá trình sửa đổi một số đạo luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất bổ sung quy định rằng, người không giải trình được tài sản tăng thêm tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật. Cơ quan quản lý cán bộ, người có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập tăng thêm sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực.

Do còn có ý kiến khác nhau nên dự kiến Ban soạn thảo sẽ trình 3 phương án sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN.

Phương án 1: Xác định rõ Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (theo đúng nội dung trong Kết luận Hội nghị T.Ư 5, khóa XI)

Phương án 2: Chỉ quy định trách nhiệm của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban thường vụ QH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN.

Phương án 3: Xác định Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Theo Báo giấy