> Khai trương VP Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
> Gala thanh niên lập nghiệp
Đông vui hơn trước
Cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 120km, đường vào Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Ya Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) nhiều ổ gà, ổ voi. Mùa khô, huyện vùng biên này được ví như “chảo lửa” của Đắk Lắk bởi nhiệt độ luôn cao hơn các vùng khác trong tỉnh 3-4 độ.
Chúng tôi đến đây khi nắng đang như thiêu đốt da thịt. Anh Nguyễn Văn Vững thấy khách từ xa đến liền mở tủ lạnh lấy nước kèm khay đá ra tiếp. Anh nói, dù sống gần biên giới nhưng nhờ có điện nên tivi, tủ lạnh, loa đài gì cũng có. Xe công nông cũng mua rồi, chỉ còn thiếu cái bằng lái xe.
“Trước đây gia đình tôi nghèo khó, nông dân mà chẳng có đất sản xuất. Được cán bộ dự án vận động, tôi đã làm đơn xin vào làng định cư và được hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp 0,5ha đất thổ cư, 1ha đất sản xuất nên cố gắng làm ăn. Năm đầu tiên ăn Tết tại làng chỉ có 9 hộ dân, giờ cuộc sống đông vui hơn rất nhiều” - anh Vững tâm sự.
Từ vài hộ ban đầu, nay làng đã có 120 hộ, 398 khẩu với 8 dân tộc sinh sống. 30 em nhỏ được sinh ra tại làng.
Trưởng thôn Lý Văn Sài cho biết: Làng có 16 xe cày, xe công nông và 2 máy xay xát, rất thuận lợi cho sinh hoạt của người dân.
Ngoài phát triển kinh tế, làng còn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới. Thời gian qua, có 13 hộ bị trục xuất khỏi làng vì họ vào đây chỉ để xí phần đất đai.
Riêng việc xử lý 43 hộ dân xâm canh trái phép khoảng 70ha rừng đến nay vẫn chưa có giải pháp, vụ việc vừa làm mất an ninh trật tự, vừa mất rừng.
Anh Đàm Văn Quyết không khỏi lo lắng sau 3 năm rời xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk lên đây lập nghiệp: “Mặc dù cuộc sống đã ổn định nhưng về lâu dài thì còn phải cố gắng nhiều. Hiện, lúa nước ở đây chỉ làm được một vụ vì hệ thống thủy lợi chưa có, đất đai sản xuất vẫn còn thiếu, nước thì nhiễm đá vôi, trạm xá xây lên lại không có y bác sĩ”.
Sẽ bớt khó khăn
Do chưa có lớp học, các giáo viên đành mượn trạm xá của làng làm nơi dạy học cho 39 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Ở đây chưa có phòng học cho học sinh cấp I nên việc dạy học rất vất vả, mỗi khi lên lớp phải chia đôi bảng, chia đôi dãy ghế ra để dạy lớp ghép. 5 lớp nhưng chỉ có 3 giáo viên”.
Theo cô Thanh, vào đây làm việc có tiền cũng không tiêu được vì chẳng có quán xá, muốn đi chợ phải chạy xe hơn 20km. Sau giờ lên lớp chỉ về phòng đọc sách, soạn giáo án chứ không biết đi đâu. Qua nhà dân xem ké tivi nhiều lần thì ngại. Vào mùa mưa, nhiều lần cô phải khóc giữa rừng, gọi “cứu viện” khi xe mắc lầy.
So với cấp tiểu học, hơn 30 em lớp mẫu giáo có vẻ được ưu ái hơn với hai phòng học khá khang trang. Hằng ngày, cha mẹ các em lên rẫy nên việc dạy dỗ đều giao cho cô giáo.
Vừa mới nhận quyết định vào làng dạy lớp mẫu giáo, hành trang của cô Lê Thị Vấn là chiếc va li vẫn dựng ở góc phòng chưa kịp mở. Cô Vấn nói: “Trước khi vào đây mình cũng không nghĩ nơi đây lại hẻo lánh đến như vậy…”.
Anh Trần Hồng Tiến, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Mặc dù dự án đã kết thúc nhưng Tỉnh Đoàn vẫn thường xuyên hỗ trợ Làng TNLN. Vừa qua đã làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho 56 hộ dân vay gần 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn cũng đã liên hệ với một số doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống và nhận thanh niên vào làm công nhân.
Tới đây, mỗi hộ dân sẽ được cấp thêm 0,5ha để phát triển sản xuất. Riêng về hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát xây dựng với kinh phí 5 tỷ đồng.