Để đón trẻ đi học, Trường Mầm non tư thục Thành Công, quận Tây Hồ thông báo cho toàn bộ giáo viên đến dọn vệ sinh trường, lớp học. Công tác chuẩn bị đến thời điểm này đã hoàn tất. Hiệu trưởng Đỗ Thị Yến nói: “Sau một năm “đắp chiếu”, khoảng 40% đồ chơi ở ngoài trời bị hoen gỉ, hư hỏng phải bỏ đi để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhưng chưa có kinh phí để đầu tư mới. Một số giáo viên nghỉ việc đã lâu, do không có nguồn thu nên họ bỏ về quê không quay lại. Trước mắt, trường mở cửa hoạt động và khắc phục khó khăn dần dần”.
Nhà trường đã rà soát từng chi tiết nhỏ, chỗ nào hơi hỏng hóc đều được dẹp bỏ hoặc sửa chữa. Điều bà Yến lo lắng là đến nay chưa rõ hướng dẫn, nếu đi học trở lại, 1 trẻ mắc COVID-19 thì cả lớp có phải nghỉ học không? Vì theo hướng dẫn trước đó của Bộ Y tế, đối với trẻ mầm non, 1 em trở thành F0, cả lớp nghỉ học 1 tuần. Nếu vẫn áp dụng quy định này sẽ gây khó khăn, xáo trộn rất lớn cho phụ huynh, nhà trường cũng rất khó để hoạt động ổn định.
Bà Khúc Thị Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tràng An, Thanh Oai (Hà Nội), cho biết, điều cốt yếu nhất để đón trẻ chính là môi trường an toàn, do đó, phải đi dò từng con ốc đồ chơi, quạt điện, nhà vệ sinh… nơi nào chưa an toàn phải bỏ đi hoặc sửa chữa. Như những cơ sở khác, nỗi lo của trường này khi hoạt động trở lại là thiếu giáo viên và sự ủng hộ của phụ huynh. “Trước đây có 30 giáo viên thì nay chỉ còn khoảng chục người do nghỉ dịch quá lâu, các cô đều đã chuyển việc. Khi gọi trở lại trường làm việc, một số cô đề nghị tăng lương mới đi làm trong khi chưa biết sẽ có bao nhiêu trẻ đi học. Nhân sự nhà bếp, tạp vụ… cũng đều nghỉ hết, nay phải tuyển mới. Trước mắt, các cơ sở phải huy động giáo viên lẫn nhau để đảm bảo mỗi lớp 2 cô”, bà Trang nói.
Hiệu trưởng nhiều trường bày tỏ mong muốn có quy định mới phòng chống dịch trong trường mẫu giáo vì nếu 1 trẻ trở thành F0 mà cả lớp nghỉ học thì sẽ rất khó khăn cho hoạt động bền vững. Nhiều phụ huynh cũng sẽ không có người trông con.
Ngoài ra, đóng cửa lâu ngày, hoạt động trở lại với trường tư thục sẽ như một ngôi trường mới hoàn toàn. Các hoạt động ngoại khoá, sự kiện thu hút trẻ về trường gần như không có gì. “Tiền thuê cơ sở gần 200 triệu/tháng không biết khi mở cửa trẻ đi học có đủ tiền thuê nhà hay không”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, trường đã lên kế hoạch, giao việc cho từng người, trang trí lớp học, cổng trường đón bé như một ngày hội. Những ngày đầu, để thu hút trẻ yêu thích trường lớp cũng như bù đắp những ngày nghỉ dịch, nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động tăng tính kết nối, vui chơi như: làm sữa chua hoa quả, nặn bánh trôi, bánh chay, chơi trò chơi dân gian, tô tượng…
Mở cửa phải an toàn
Mở cửa trường mầm non, Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục mở cửa trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Trên thực tế, thời gian qua, phụ huynh phải gửi con ở các lớp học “chui” để đi làm, do đó rất mong trường học mở cửa, cho trẻ tới trường. Nhiều trường khảo sát phụ huynh đồng ý cho trẻ đi học từ 90-100%.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, ông Nguyễn Văn Hậu, cho biết, Phòng GD&ĐT đã họp với các trường công lập và tư thục để lưu ý, trong đó nhấn mạnh “mở cửa phải đảm bảo an toàn”, có phương án phòng chống dịch. Đặc biệt, các trường mở cửa sẽ tổ chức ngay việc ăn bán trú nên phải xây dựng thực đơn, khẩu phần chuẩn, khoa học và bảo đảm an toàn thực phẩm. Trường học cũng được lưu ý tâm sinh lý của trẻ lâu ngày không đến trường để có hoạt động giúp trẻ làm quen, tránh để xảy ra chuyện xung đột giữa giáo viên, phụ huynh.
Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết, thành phố hiện có 8 cơ sở giáo dục tư nhân thông báo giải thể, còn lại nhiều cơ sở gặp khó khăn, tuy nhiên sẽ khắc phục dần khi mở cửa. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu, bên cạnh rà soát kỹ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho trẻ, cũng cần tập huấn kỹ càng đội ngũ, chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Hôm nay, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức họp trực tuyến với 30 Phòng GD&ĐT cũng như các nhà trường mầm non để trao đổi, lưu ý các vấn đề còn lại.