Thậm chí, mọi việc còn tồi tệ hơn khi bạo lực giữa những người phản đối hội đồng quân sự cầm quyền (SCAF) với lực lượng chính phủ leo thang.
Những diễn biến này cho thấy kể từ cuộc cách mạng mùa xuân Arập cách đây hơn một năm lật đổ chính phủ của ông Hosni Mubarak, Ai Cập vẫn chìm sâu trong khủng hoảng chính trị.
Các lực lượng chính trị đối lập rất quan ngại nguy cơ Ai Cập một lần nữa sẽ rơi vào chế độ độc tài khi SCAF tìm cách níu giữ quyền lực. Làn sóng phản đối lại bùng lên dữ dội nhiều ngày qua tại Ai Cập sau khi nhiều ứng cử viên bị loại khỏi danh sách tranh cử tổng thống do các hạn chế mà SCAF mới ban hành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những lời kêu gọi đòi SCAF từ chức đang tiếp tục dâng cao, quân đội cũng khó tránh khỏi việc phải rút lui khỏi chính trường một khi cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện đánh dấu giai đoạn cuối cùng trên con đường chuyển giao quyền lực, kết thúc.
Chính vì vậy, tình hình an ninh chính trị diễn biến rối như mối bòng bong đang là cái cớ để SCAF kéo dài giai đoạn chuyển tiếp. Rõ ràng, trong tình hình bất ổn có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, SCAF có lý do phù hợp để duy trì sự cai trị bằng bàn tay sắt. Một khi bất ổn kéo dài, giai đoạn lâm thời chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và như vậy chuyển giao quyền lực thực sự sẽ rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, trong khi các bên đang mải mê với cuộc đấu sinh tử trên chính trường, người dân Ai Cập mới chính là đối tượng gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Hoạt động sản xuất bị đình đốn, hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, làm tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, bị thất thu nghiêm trọng do khủng hoảng chính trị. Khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài kể từ sau cuộc cách mạng mùa xuân đang đẩy hàng triệu gia đình vào cuộc sống khó khăn.
Cách đây hơn một năm, hàng nghìn người Ai Cập xuống đường với hy vọng mở ra một kỷ nguyên dân chủ, hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, giờ đây, với những gì đã và đang diễn ra, ngày càng có nhiều người dân trở nên bi quan với tương lai đất nước.