Minh bạch thông tin để ngăn chặn cài cắm lợi ích nhóm

TP - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về “dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Trên cơ sở đó, dự thảo đưa ra những điểm mới như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông, việc này cần phải được thực hiện chặt chẽ, tránh nguy cơ thông qua hỗ trợ quy hoạch để tác động chính sách, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn về việc công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn hỗ trợ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý nội dung liên quan đến chiều cao công trình trong đô thị. “Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước, mới ngộ ra một điều rằng, chiều cao công trình là do vấn đề an ninh, an toàn đường bay, chứ không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô”, ông Vương Đình Huệ nêu. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là việc xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình như thế nào. Trong thực tế, Bộ Xây dựng cũng không quy định vấn đề chiều cao này. Đây là vấn đề gây ra nhiều khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ.

Về phạm vi quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội ví dụ, như quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lấy trong thực tế phạm vi quy hoạch chỉ 5 km2, nếu như áp tiêu chí, tiêu chuẩn về dân số thì phải rút ra rất nhiều dân. “Nhưng sau đó chúng ta thay đổi tư duy, lấy 4 quận trong nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) thành một tổng thể quy hoạch để cân đối thì mới giải quyết được bài toán về vấn đề dân số và hạ tầng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay. Ông đồng thời gợi mở, phải chăng tiêu chuẩn, tiêu chí về mật độ dân số, chiều cao công trình nên để cho tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể, chứ không nên quy định cứng nhắc về việc này.