Milan Kundera ở Việt Nam

TP - Nhà văn lớn người Pháp gốc Szech có nhiều tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt, luôn đứng giữa các luồng đánh giá trái chiều.

Không dễ khám phá Milan Kundera. Ảnh: Parismatch

Nhân sự kiện ra mắt cuốn Vô tri ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc, dịch giả Cao Việt Dũng, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cùng độc giả gặp gỡ trong tọa đàm “Milan Kundera - tiểu thuyết và tiểu luận”, tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace.

Độc giả Việt Nam biết đến Kundera 15 năm qua nhờ các tiểu thuyết: Lời đùa cợt, Sự bất tử, Bản nguyên, Chậm rãi, Đời nhẹ khôn kham, Điệu van giã từ, Cuộc sống không ở đây, tập truyện ngắn Những mối tình nực cười hay tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội.

Tiểu thuyết và tiểu luận, hai mảng lớn trong sự nghiệp sáng tác của Kundera, luôn tạo luồng dư luận trái chiều, ngay cả trong giới nghiên cứu, phê bình. Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá: “Kundera là nhà văn rất khó tính, công đoạn sửa một tác phẩm hàng năm trời.

Milan Kundera sinh 1929 tại Brno (Czech), năm 1975 ông đến Pháp sinh sống và nhập quốc tịch. Hiện Pháp luôn coi Kundera là nhà văn Pháp. Kundera sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1993, ông cũng bỏ thời gian cùng dịch giả sửa lại bản dịch ra tiếng Pháp các tác phẩm giai đoạn còn ở Séc của ông.

Một nhà phê bình cho rằng: Kundera từng bị bắt phải im tiếng, điều này lại tặng cho châu Âu một trong số nhà văn lớn của thế kỷ XX. Tôi thích tiểu luận của ông hơn tiểu thuyết. Tiểu luận của ông như một cuốn tiểu thuyết, nhân vật trong tiểu luận chính là tiểu thuyết. Trong tiểu luận, ông nói về số phận long đong, kỳ lạ và cũng tuyệt vời của tiểu thuyết suốt mấy thế kỷ”.  

Cao Việt Dũng - dịch giả cuốn Vô tri: “Ngay cả khi Kundera nói nhiều về các nhà văn khác, tiểu luận của ông dường như chỉ có mục đích duy nhất để giải thích tiểu thuyết của chính ông. Tôi lại thích đọc tiểu thuyết Kundera hơn cả”.

“Tôi không thích lắm những tiểu thuyết hư cấu của Kundera. Ông viết theo những lý luận, quan điểm của mình về tiểu thuyết, hình như thiếu đi vẻ hồn nhiên của tiểu thuyết. Philipp Roth không thế, dù Roth gần với Kundera, một phần vì nền văn học Mỹ còn trẻ, không đặt nặng lý luận”. Nguyên Ngọc lý lẽ.

Góc nhìn Nguyên Ngọc nhận sự đồng thuận của nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh: “Tôi thích đọc những tác phẩm nhẹ nhàng, nên đọc tiểu thuyết của Kundera rất chậm và khó. Nhưng tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết của ông rất hay, ông đâu chỉ nói về riêng mình, ông nói về Kafka rất hay.

Trước đó ông phát ngôn: Tiểu thuyết nói hộ tôi. Nhưng năm 2001, dù hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn, Kundera trả lời báo Le Monde nói về “Từ điển của Kundera”, có lẽ vì ông nhận ra giới phê bình cũng chưa nhìn nhận đúng về tiểu thuyết của mình. Riêng tôi, tôi thích tiểu luận của Kundera hơn, tôi không yêu được nhân vật trong tiểu thuyết của ông”.

Thực tế, nhiều người giàu tình cảm khó thích tác phẩm của Kundera, tác phẩm của ông có phần hơi nghiệt ngã. Cao Việt Dũng minh chứng, từng có nghiên cứu tố Kundera ác với nhân vật nữ. “Nhưng tôi thấy trong Sự bất tử, Kundera dành cho nhân vật nữ của mình hình tượng đẹp: “Agnes rất đẹp - Anges: Như một ngọn lửa bốc lên trên”, Cao Việt Dũng nói thêm.

Hai tiếng không đủ chỗ cho quá nhiều ý kiến, nhưng đủ để người yêu mến hay đơn giản chỉ là quan tâm đến văn chương Kundera thêm một lần mở tầm nhìn. Vấn đề ưa tiểu thuyết hay tiểu luận của Kundera tùy thuộc vào cảm quan, không còn quan trọng nữa. Từ lâu, văn giới Việt Nam đánh giá: “Kundera là nhà văn của các nhà văn Việt Nam”, và tác phẩm của ông vốn có chỗ đứng từ lâu trên văn đàn thế giới.