Cụ thể trong trường hợp của Thanh Lam hay Tùng Dương đều đã dốc hết tâm sức để thể hiện Thiên Thai, Trương Chi (sáng tác của Văn Cao) hay nhất có thể theo nhãn quan riêng. Họ không có ý định phá phách hay bôi bác gì ở đây cả.
Tôi có mặt gần sân khấu Nhà hát Lớn tối 20/8 (đêm nhạc Đàn chim Việt), tuy vừa xem vừa chụp ảnh nên nghe không được kỹ lắm nhưng với cảm nhận riêng, tôi thấy Thanh Lam hát Thiên thai không vấn đề gì, ngoài một vài nốt về cuối hơi đột ngột to lên như cách chị vẫn làm, dù có vẻ đã có sự tiết chế rồi. Nhưng về nghe lại âm thanh qua ứng dụng VTVgo đúng là không bằng bên ngoài. Bài hát không thực sự hợp với quãng giọng Thanh Lam thành ra hơi bị xỉn.
Khi nhạc dạo, tôi còn nhận thấy rõ diva đang căng thẳng và hồi hộp. Chương trình quy mô “trăm năm có một” , truyền hình trực tiếp, có yếu nhân và gia đình tác giả dự khán lại chẳng… Không ít nghệ sĩ cũng chung tâm thế đó, dẫn đến một vài chỗ hát chưa chuẩn lời hoặc hơi phô một tẹo. Nhưng tổng thể chương trình chỉn chu, đạt chuẩn phát trực tiếp.
Tôi hiểu các nghệ sĩ luôn có xu hướng muốn làm mới, muốn áp đặt sự sáng tạo vào thể hiện tác phẩm. Người sau, thế hệ sau không muốn lặp lại những giá trị đã định hình trước đó. Từ thời đi học, tôi từng nghe qua cassette Cẩm Vân hát Sông Lô, Suối mơ, Thanh Lan hát Thiên thai, Buồn tàn thu, Lâm Xuân hát Trương Chi, Bắc Sơn… thấy đều hợp lý cả. Tất nhiên thời đó tôi chưa có trong đầu khái niệm những bài này phải hát theo kiểu gì… Hóa ra họ đều đem được bản sắc riêng vào tác phẩm vốn không phải sở trường. Sau này Ánh Tuyết thể hiện lại hầu hết nhạc mục Văn Cao, đưa về bán cổ điển lại càng dễ tiếp thu.
Ánh Tuyết có một màu giọng đặc biệt với nhiều sắc thái đa dạng thể hiện được mọi yêu cầu của tác phẩm Văn Cao. Riêng Buồn tàn thu, chắc chỉ Ánh Tuyết mới dám hát không nhạc. Vì chị có đủ các kỹ thuật từ rung nhấn, luyến láy đến nức nở để tô điểm cho giai điệu mà không cần dàn nhạc phụ trợ. Nghe rất lay động, nhưng bản thân tôi may mắn khá nhiều lần được nghe kiểu hát vo này. Nên nếu Ánh Tuyết tham gia lần này, tôi cũng muốn được nghe chị hát cùng dàn nhạc. Rất tiếc điều đó không xảy ra.
Tôi tin rằng vị nhạc sĩ từng dùng cùi chỏ đánh piano nếu còn sống cũng sẽ cảm thấy thú vị khi nhạc của mình được làm mới theo kiểu này. Còn những giá trị quen thuộc đã đi vào băng đĩa rồi, ai thích chỉ việc mở ra nghe lại, thay vì cứ xỉ vả nghệ sĩ chỉ vì họ làm công việc của họ.
Ánh Tuyết hát Buồn tàn thu sẽ khiến người nghe tin chị đúng là nhân vật trong bài hát thật. Cách hát pha thêm jazz và giảm luyến láy của Hà Trần có tính giãn cách so với tâm trạng của nhân vật. Nhân vật trong Buồn tàn thu có vẻ là một cô gái Á Đông lụy tình, có khi cả đời chỉ ôm một bóng hình. Hà Trần hát bài này phải nói là tinh tế đến từng tiểu tiết chỉ mỗi tội khó thuyết phục người nghe rằng cá tính của giọng hát (chứ không phải người hát, ngoài đời rất có thể Hà Trần cũng lụy tình chưa biết chừng) sẽ trùng với tính cách nhân vật.
Nhưng để nghe Buồn tàn thu như một tác phẩm âm nhạc chứ không phải một nhạc cảnh, có thể nói Hà Trần đã thành công trong việc sắp đặt lại tác phẩm. Nếu tráo bài, để Hà Trần hát Suối mơ và Mỹ Linh hát Buồn tàn thu, hẳn sẽ phù hợp hơn với quan niệm đã định hình về hai bài hát. Nhưng e rằng như thế sẽ kém thú vị đi đấy.
Nếu Buồn tàn thu là tự sự của nhân vật mà Ánh Tuyết cực kỳ thành công trong lột tả, thì người hát Trương Chi đơn giản kể lại câu chuyện. Tuy nhiên Tùng Dương có vẻ đã nhập vai để trở thành Trương Chi (có phần quằn quại và ma mị) luôn. Cũng đem lại một điểm nhìn khác cho tác phẩm.
Tóm lại nhờ chương trình Đàn chim Việt mà công chúng mới để ý đến việc hát Văn Cao của diva, divo dù trước đây họ đã hát lẻ tẻ rồi. Tôi hiểu những người làm chương trình muốn cho công chúng thấy nhạc Văn Cao dành cho tất cả mọi người. Và việc chọn những ca sĩ nổi tiếng nhất ở dòng nhạc pop hát Văn Cao cũng là một cách tôn vinh.
Gần đây xuất hiện khái niệm “body shaming” (miệt thị ngoại hình) để cảnh báo người ta mỗi khi định chê bôi hình thể người khác. Nay có khi nên bổ sung “voice shaming” - miệt thị giọng hát - nhất là ở Việt Nam. Và hình như với một vài giọng ca đã bị định kiến, cứ hát gì cũng dễ sẽ bị một bộ phận công chúng theo quán tính lao vào “khủng bố” một cách khoái trá. Những lời chê trách kiểu gây sốc thường dễ được lan tỏa hơn và họ sẽ nhanh chóng được thỏa mãn nhu cầu thể hiện quyền lực của bản thân.