Không tiêm phòng kịp thời
Trong 7 tháng của năm 2017, qua hệ thống giám sát dịch bệnh tại Thanh Hóa đã ghi nhận 5 ca mắc và tử vong do bệnh dại. Hầu hết, các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không được đưa đi tiêm phòng vắc-xin kịp thời. Nhiều trường hợp tử vong thương tâm, như em Ly Văn Xuân (11 tuổi, ngụ bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát). Em Xuân bị chó khoảng 3kg của gia đình nuôi, cắn vào tay trái, làm xước da chảy máu. Sau đó, 6 người khác ở bản Cang cũng bị chó này cắn rồi bỏ chạy mất tích. Hai trong số 7 người bị chó cắn đã đến cơ sở y tế tiêm phòng bệnh dại. Riêng Xuân, gia đình không đưa đến cơ sở y tế, chỉ sử dụng thuốc lá địa phương. Tháng sau, Xuân có nhiều triệu chứng lạ, tuy nhiên người nhà vẫn tiếp tục điều trị vết thương chó cắn. Vài ngày sau, sức khỏe Xuân diễn biến xấu, gia đình mới vội đưa đến bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, Xuân đã tử vong.
Có trường hợp nạn nhân bị chó dại cắn nhiều tháng sau mới phát bệnh. Như nạn nhân Đinh Thị Thương (SN 1984, trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh). Vào tháng 10/2016 chị Thương sang bố mẹ đẻ ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) chơi thì cũng bị chó của gia đình cắn. Đến ngày 27/2/2017, chị Thương có biểu hiện sốt cao, co giật, sợ ánh sáng nên gia đình đưa tới bệnh viện thì mới biết chị bị chó dại cắn. Mặc dù bệnh nhân đã được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị nhưng cũng tử vong.
Tuyệt đối không ăn thịt chó khi có dịch dại
Nhiều trường hợp tử vong trên địa bàn, UBND huyện Mường Lát đã thành lập đội kiểm soát lưu động xử lý các trường hợp chó mèo không có chủ, có biểu hiện hoặc nghi dại. Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ngăn chặn không chuyển chó từ xã Mường Chanh ra khỏi địa bàn; khuyến cáo người dân không ăn thịt chó khi trên địa bàn đang có chó dại. Trung tâm y tế huyện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho toàn bộ số người nghi bị chó dại cắn tại xã Mường Chanh, tuyên truyền dân chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dại, thực hiện các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với chó mèo, nuôi nhốt chó theo quy định. Tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường 2 lần/ngày tại bản có dịch và các bản giáp ranh 3 lần/ngày…
Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm thú y, tổ chức các biện pháp phòng chống tại các huyện có bệnh nhân tử vong như Thường Xuân, Như Thanh, Mường Lát, Thạch Thành; tổ chức một điểm tiêm phòng vắc-xin dịch vụ để tổ chức tiêm vắc-xin dự phòng; Tuyên truyền cho người dân biết, khi bị chó, mèo cắn, cào phải đến Trung tâm Y tế huyện tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Đình Ngư cho biết, sau khi dịch dại bùng phát, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do bệnh dại tại Thanh Hóa diễn biến phức tạp. Do các huyện miền núi, trung du, bệnh dại xuất hiện tản phát và khi phát bệnh dại mới đưa tới các cơ sở y tế. Các bệnh nhân tử vong do không được tiêm phòng tại các cơ sở y tế, chủ yếu là điều trị bằng thuốc nam. Phong tục tập quán nuôi và thả rông chó đang phổ biến tại cộng đồng, việc quản lý tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó chưa triệt để.
Trung tâm y tế Huyện tổ chức tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại miễn phí cho đối tượng người nghèo, với 834 lọ vắc-xin phòng dại và 60 lọ huyết thanh kháng dại. Toàn bộ kinh phí 400 triệu đồng được UBND tỉnh hỗ trợ mua vắc-xin, huyết thanh, vật tư và tổ chức tiêm miễn phí vắc-xin phòng bệnh dại cho đối tượng người nghèo. Tổ chức các hoạt động truyền thông tại 4 huyện/thị xã và truyền thông gián tiếp cho cộng đồng thông qua tờ rơi, băng-rôn, pa-nô.