> Nhà có ba mẹ Việt Nam anh hùng
Bà kể lý do của chuyến hành trình này: “Tôi sinh năm 1948 tại Cai Lậy- Tiền Giang. Đây là vùng đất nổi tiếng bởi những trận chiến đấu ác liệt và những chiến công oai hùng của du kích và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Được Cách mạng giác ngộ, năm 15 tuổi tôi đã vào du kích và tham gia chiến đấu cho tới ngày miền Nam thống nhất.
Suốt những năm tháng chiến đấu, nhờ có các mẹ, các chị che chở nên tôi và rất nhiều đồng đội mới có thể hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng giao phó. Vì thế tôi chịu ơn sâu của các mẹ”.
Sau giải phóng, sẵn có năng khiếu hội hoạ, bà đã được cử đi học Mỹ thuật rồi trở thành giảng viên trường đại học Mỹ thuật. Công việc rồi gia đình cứ cuốn lấy bà nên các ơn nghĩa cao cả đó của bà vẫn chưa trả được. Cho mãi tới năm 2009, khi đã thu xếp được công việc, bà đã quyết tâm sẽ đi khắp Việt Nam để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Bà bảo: “Tôi chọn vẽ chân dung Mẹ Việt Nam bởi tôi cũng là một người mẹ, tôi hiểu thế nào là nỗi đau của những người mẹ khi mất những đứa con. Tôi muốn vẽ lại chân dung của các Mẹ như một lời tri ân, cũng để khắc họa lại sức mạnh kiên cường của những bà mẹ Việt Nam.”
Chỉ bằng một chiếc xe máy cũ, bà rong ruổi hàng ngàn km. Có trong tay bản danh sách Mẹ Việt Nam Anh hùng cả nước, một mình bà vừa đi, vừa hỏi thăm tìm đến tận nhà từng Mẹ, xin phép Mẹ được phép vẽ. Trên hành trình thiên lý đó, những khó khăn, sự cố luôn xảy ra nhưng bà không hề nản chí. Ngày đi, đên nghỉ nhờ nhà dân, bà cứ nhẫn nại tìm đến đích.
Với mỗi Mẹ, bà chỉ xin phép Mẹ ngồi làm mẫu cho bà vẽ chừng nửa tiếng đồng hồ bởi bà lo cho sức khoẻ của Mẹ. Nhưng không phải gặp Mẹ nào bà cũng thành công. Có những chuyến đi cả trăm cây số nhưng tới nơi thì Mẹ vừa qua đời, còn chuyện tới thăm mà Mẹ đang nằm trên giường bệnh thì thường xuyên.
Với những Mẹ như thế, bà không vẽ mà chỉ xin Mẹ cho bà được chụp một tấm hình. Bà bảo: “Tôi không muốn vẽ Mẹ trên giường bệnh bởi đó không phải là chân dung của Mẹ suốt cuộc đời. Vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng là vẽ cái thần thái, khí khái của Mẹ. Khi Mẹ đang bệnh thì sao có thần thái khí khái đó? ”.
Trong suốt 2 năm thực hiện chuyến đi, bà Ái đã đi hết 63 tỉnh thành trong cả nước, vẽ được 548 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh các bức chân dung, bà còn ghi chép tỷ mỷ về hoàn cảnh của từng Mẹ. Thế nhưng không cần những ghi chép ấy, bà vẫn có thể nhớ tỷ mỷ về từng Mẹ.
Bà bảo mỗi mẹ có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng giống nhau ở sự khoan dung, độ lượng và sự chịu đựng. Bởi thế mỗi bức chân dung các Mẹ dù khác nhau ở gương mặt, trang phục nhưng đều giống nhau ở sự nhân hậu- Điều mà càng đi bà lại càng nhận thấy. Đó là sự khắc họa để bà làm nên triển lãm “Hoa bất tử”- Triển lãm về Chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Không dừng lại ở đó, sau triển lãm “Hoa bất tử” hoạ sỹ Đặng Ái Việt lại tiếp tục hành trình đến với các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà bảo còn rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng khác mà bà chưa đến được nên hành trình của bà sẽ không dừng lại.
“So với sự hy sinh của các Mẹ thì những khó khăn của tôi nào có là gì. Vì thế tôi sẽ đi, sẽ vẽ cho tới khi nào sức tàn lực kiệt. Với gần 4 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống thì chặng đường của tôi đi còn dài lắm. Nhưng tôi vẫn tự tin mình sẽ đi tới cuối chặng đường”- bà cười.
Dường như sức mạnh của các Mẹ đã truyền qua bà, khiến bà có thêm nghị lực, sự tự tin để tiếp tục làm công việc đầy ý nghĩa: Khắc họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng.