"Mê Kông ký sự" - Chuyện kể của người trong cuộc

Bộ phim ký sự, thám hiểm đẫm chất văn học, phiêu lưu “Mê Kông ký sự” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) sản xuất. Đây là bộ phim tài liệu dài nhất trước nay: 75 tập (20 phút/tập) nội dung bao trùm 6 quốc gia.

Mê Kông ký sự được NSND Phạm Khắc trăn trở hàng chục năm nay. Một dòng sông tạo ra vựa lúa trù phú ở miền Nam Tổ quốc, một dòng sông bồi đắp cho tâm hồn thơ ca của bao thế hệ, một dòng sông hung hãn trong mùa lũ… Dựa vào nguồn vốn của HTV, huy động thêm được khoảng 250.000 USD, năm 2000, đoàn khảo sát sơ bộ, năm 2001 chính thức bấm máy.

Xem Mê Kông ký sự, người xem thú vị và ngạc nhiên với những cảnh quay đẹp, những nét văn hóa, những câu chuyện đầy huyền thoại và cả những khó khăn, nguy hiểm của các thành viên làm phim. Tiếp cận thượng nguồn 2 con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử, nhiều khi xe đi như kiến bò miệng ly, mà là miệng ly cao 4.000 m, phía dưới là vực sâu, là dòng sông hùng vĩ.

Có lần, một nhóm người từ Lasha (thủ phủ Tây Tạng) dẫn đoàn lên quay một hồ nước ở độ cao 4.852 m, đường cực kỳ dốc và hiểm trở, xe lúc nào cũng có thể lật nhào. Người dẫn đường lần ấy cũng không biết trước những nguy hiểm nên nhận đưa đi, sau đó ông ta sợ và thề không bao giờ lên lại nữa.

NSND Phạm Khắc tâm sự: “Tôi đã quay phim trong chiến tranh nhưng gian khổ, nguy hiểm không bằng làm phim này. Nghiệm ra: Làm phim trong thời bình cũng cần dũng cảm. Khi quay và dựng xong những tập đầu, phía Trung Quốc điện qua nói là có thể lên đầu nguồn Mê Kông được, nhưng cực kỳ nguy hiểm.

Nghe xong, đoàn thu xếp đi ngay. Quả thực, chuyến đi gặp rất nhiều chuyện: Cả 2 người quay phim đều bị ngất ở độ cao trên 5.000 m, quay phim Việt Phước có nước trong phổi nên buộc phải ở lại vì trong 2 ngày tới đoàn sẽ đi qua vùng không hề có dân cư.

Tới Tạp Đa, dân địa phương nói không thể đi được nữa, nhưng đoàn quyết định được tới đâu thì tới - cách thượng nguồn khoảng 30 km thì đành quay về vì không còn đường đi, chỉ có thể dùng trâu kéo và phải đi vào mùa đông. Đường cao, dốc khó đi, đi chậm thì không lên dốc được mà đi nhanh thì nguy hiểm, đã có lúc bẻ tay lái không kịp, xe suýt rơi xuống sông”.

Một lần, đạo diễn Dư Hoàng đang quay phim thì bị mấy con chó ngao dữ tợn (loại chó của người Tạng, nhà nào cũng nuôi 5 - 7 con để chống thú dữ, bảo vệ thú nuôi) lao qua hàng rào cắn nát ấm và bể (vỡ) máy. Anh em đã quay được cảnh này. Đưa Hoàng đi cấp cứu, cả lái xe và quay phim đều bị ngất do cố sức và thiếu ôxy - trên cao không khí loãng.

Quay ở Bắc Lào, giáp Trung Quốc ghềnh thác dữ dội, đá dựng ngược dọc sông, nước đổ như thác, giữa 2 làn có dòng xoáy sâu. Rồi vùng Tam giác vàng cực kỳ nguy hiểm. Anh Tuấn kể: “Chúng tôi phải mướn 2 thuyền loại cao tốc (máy ôtô, 4 ống khói, tốc độ 70 km/giờ) mới vượt được qua những đoạn sông đó. Ai cũng mang áo phao, nhắm mắt mặc cho người chạy điều khiển đưa đi, mỗi lần qua được ghềnh lại thở phào “sống rồi”.

NSND Phạm Khắc lại trầm ngâm: “Trong quá trình làm phim chúng tôi càng nghiệm thấy dòng sông này kỳ bí, khó hiểu. Trước đây sách viết đầu nguồn Mê Kông là cao nguyên Vân Nam, thực tế nó còn cách Vân Nam 600 km, nằm trên cao nguyên Thanh Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải. Chiều dài của sông cũng chưa khẳng định được chính xác: người ta nói dài 4.200 km, chúng tôi đi xác định là 4.800 km.

Ai cũng biết cuối dòng Mê Kông là đồng bằng sông Cửu Long – chín nhánh sông Rồng, thực tế lại chỉ có 8 nhánh, xem bản đồ chụp qua vệ tinh hay trên máy bay cũng vậy. Trong bản đồ triều Nguyễn có tên cửa Bát Sắt nhưng không có sông (cửa này nằm giữa cửa Trần Đề và Định An) có lẽ do thời gian nên cù lao Dung đã lấn dòng chảy của nó.

Tôi bật máy, thượng nguồn sông Mê Kông hùng vĩ chìm trong tuyết trắng hiện lên kỳ vĩ. Những trận mưa tuyết trên cao nguyên Thanh Tạng giữa tháng 7 thật diệu kỳ. Chợt nhớ lời anh Tuấn: Mưa tuyết giữa tháng 7 thì ngay trên Thanh Tạng cả nửa thế kỷ mới có một lần. Và đây, những khung hình lung linh quay cảnh sông nước vùng châu thổ Cửu Long với những đời sống cư dân người Việt bao đời sống cùng dòng sông chở nặng phù sa và cá tôm... như thực, như mơ.