Mẹ trẻ chăm con
Hai năm trước đây, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, Trương Thùy Linh vào làm việc tại trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng tàu. Cô gái sinh năm 1990 này cũng đã có một đứa con. Ban ngày, Linh đến trung tâm chăm sóc các em, con của Linh thì mang gửi nhà nội, ngoại. Lúc chúng tôi đến, Linh đang tập vật lý trị liệu cho các em bị bại não.
Linh cho biết, em này được đưa vào trung tâm từ khi còn đỏ hỏn, bị bại liệt. Sau một thời gian tập vật lý trị liệu, đã có thể cầm nắm được một số thứ. Kể lại thì thấy nhanh. Nhưng quá trình tập cho các em để từ bại liệt nằm một chỗ đến lúc hoạt động được tay chân là cả bao nhiêu sự hy vọng và chờ đợi của tất cả bảo mẫu ở trung tâm.
Phần lớn các em vào trung tâm đều trong những hoàn cảnh hết sức đáng thương. Có những em bị bỏ rơi ở công viên, trong góc chợ hay trước cổng chùa… Số em lành lặn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các em đều bị khuyết tật, bại não, nhiễm HIV từ mẹ…
Ngày vào trung tâm, Linh vô cùng ngỡ ngàng khi thấy quá nhiều trẻ con. Ban đầu cô chỉ biết làm các công việc bình thường như chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa cho các em… Sau này với suy nghĩ để có thể chăm sóc được tốt cho các em hơn, cô tham gia một khóa tập vật lý trị liệu.
Bảo mẫu Trần Thị Năm, cho biết “Hiện tại, thu nhập của những bảo mẫu như Linh chưa tới 1,5 triệu/tháng. Nhưng hầu như khi vào đây, mọi người đều quên hết những bon chen, tính toán của cuộc sống bên ngoài.
Sự ngây thơ, đáng yêu của các cháu khiến những bảo mẫu đã vào đây đều nguyện suốt đời gắn bó. Có nhiều mẹ đã già, gia đình đông người nhưng vẫn tình nguyện chăm lo cho các cháu. Những mẹ không có con cũng xin vào trung tâm, dành hết tình yêu thương cho các cháu. “Phần lớn những bảo mẫu ở trung tâm đều lớn tuổi. Những bạn như Linh tuổi đời còn rất trẻ mà nguyện gắn bó với trung tâm khiến tụi tui rất cảm phục”.
Hiểu rồi thương
Chưa có gia đình, nhưng khi vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, bạn Phạm Thị Nhung, (SN 1991) vẫn tình nguyện về Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, cùng các má chăm lo cho các em nhỏ. Ngày ngày, thời gian của Nhung dành trọn cho các em. Thu nhập một tháng được 1,2 triệu đồng, ở thành phố du lịch Vũng Tàu nổi tiếng đắt đỏ thì mức lương của Nhung chỉ nuôi nổi bản thân.
Má Thủy năm nay đã gần 70 tuổi, cùng Nhung chăm sóc đặc biệt các em có H cho biết: “Tuy chưa có gia đình nhưng Nhung tháo vát lắm. Các cháu ở đây vốn thiếu tình thương, bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng nên mặc dù còn nhỏ nhưng rất tinh ý, biết được ai thực sự yêu thương chúng. Nhìn lũ trẻ cứ bám riết lấy Nhung, gọi mẹ, mẹ lắm lúc tôi cũng thấy thương lây cho cả con bé. Cả ngày chăm các cháu chẳng có thời gian dành cho bạn trai”.
Nhung tâm sự: “Mẹ em từng làm việc ở đây, vì sức khỏe yếu nên em vào làm thay. Mới đầu chỉ nghĩ là làm thay mẹ một thời gian. Nhưng nghe mẹ nói, các cô nói, đặc biệt khi chứng kiến những cảnh ngộ của các bé, em không còn tâm trạng ngại ngùng, sợ sệt ban đầu nữa. Các bé ở đây cũng giống như một gia đình. Có lẽ các em hiểu và đồng cảm với số phận của nhau mà gần như không có chuyện đánh chửi, cãi lộn như những đứa trẻ đồng trang lứa mà rất yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”.
“Má ơi, bạn Nghĩa bị mệt hay sao mà nằm một chỗ từ sáng tới giờ” - một đứa trẻ chạy lại, kéo áo Nhung.
“Cháu Nghĩa bị nhiễm HIV từ lúc lọt lòng, bà ngoại già yếu nên gửi vào trung tâm. Đối với các cháu như vậy, bảo mẫu luôn có chế độ chăm sóc đặc biệt. Các cháu được khám và lên phác đồ điều trị bằng thuốc ARV và được theo dõi trị liệu về thể chất, tâm lý hàng ngày, hàng giờ”, Nhung cho biết.
Có lẽ vì tình cảm yêu thương của những bảo mẫu trẻ như Nhung và Linh mà dòng chữ của khách đến thăm tặng lại được dán trước cửa phòng là “Hiểu rồi thương”.