Theo Huffington Post, thanh kiếm hai lưỡi trên được tìm thấy dưới sông Witham ở Lincolnshire, Anh, vào năm 1825 và hiện được trưng bày trong triển lãm về thời kỳ Đại hiến chương diễn ra tại Thư viện quốc gia.
Thanh kiếm nặng 1,2 kg, dài 97 cm và cán rộng 17 cm. Theo Bảo tàng Anh, lưỡi kiếm chắc chắn được chế tạo ở Đức vào thế kỷ 13 hoặc đầu thế kỷ 14, nhưng bản thân thanh kiếm lại có nguồn gốc từ Anh. Họ miêu tả "thanh kiếm là một phần trong nghi lễ của các hiệp sĩ, và chuôi kiếm hình chữ thập xác nhận những nghĩa vụ Thiên chúa mà một hiệp sĩ phải hoàn thành nhằm bảo vệ nhà thờ."
Nhưng điều thu hút nhiều sự chú ý nhất chính là dòng chữ khắc bí ẩn trên lưỡi kiếm: +NDXOXCHWDRGHDXORVI+.
Dòng chữ kỳ lạ khắc trên lưỡi kiếm. Ảnh: Bảo tàng Anh.
Nhà khảo cổ học Marc van Hasselt thuộc Đại học Utrecht suy đoán dòng chữ được viết bằng tiếng Latinh và ND có thể là viết tắt của từ "Nostrum Dominus" (Chúa của chúng tôi) hoặc "Nomine Domini" (tên của Chúa), và XOX nhằm chỉ Chúa ba ngôi.
Bảo tàng Anh đã bác bỏ giả thuyết thanh kiếm có xuất xứ từ người Viking. "Dựa vào đường gân kiếm, núm tròn ở chuôi kiếm và hình dạng chữ khắc, có ý kiến cho rằng thanh kiếm thuộc về người Viking, nhưng rõ ràng các đặc điểm trên giống với những thanh kiếm châu Âu thời Trung cổ hơn," đại diện bảo tàng cho biết.