Cụ thể, khoảng 9 giờ sáng ngày 25-6, có số điện thoại từ tổng đài gọi vào số máy bàn nhà chị H.T.M.Đ (đường Trương Công Định, phường 8, TP.Vũng Tàu). Người này thông báo chị Đ. còn nợ cước điện thoại và dọa cắt thuê bao đồng thời hướng dẫn chị Đ. bấm phím số 9 để được nghe hướng dẫn. Chị Đ. bấm phím 9 và nghe giọng nữ từ đường dây bên kia.
Chị nói với người này gia đình chị đóng tiền thuê bao đầy đủ, tại sao lại cắt. Người phụ nữ này nói với chị Đ. có người dùng tên chị để đăng ký thuê bao điện thoại và nợ cước 8 triệu đồng, yêu cầu chị Đ. báo công an.
Ngay sau đó chị Đ. nghe âm thanh chuyển máy và đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông, qua cách nói chuyện thì thể hiện người này là công an. Chị Đ. cung cấp thông tin tổng đài báo về chuyện nợ cước thì người này giữ bí mật để kiểm tra lại.
Chị Đ. nghe thấy tiếng đầu dây bên kia người đàn ông trao đổi với ai đó và nhắc đến chuyện tịch thu tài sản của người nợ cước. Sau đó, người tự xưng là công an nói với chị Đ. rằng vụ việc rất nghiêm trọng và sẽ cho chị Đ. gặp sếp của họ để trao đổi.
Tiếp đấy, chị Đ. lại nghe tín hiệu chuyển máy và một người đàn ông nói chuyện với chị Đ. Người này dọa chị Đ. có lệnh bắt và hỏi chị Đ. về các hoạt động giao dịch tại ngân hàng. Chị Đ. khai hết việc gửi tiền tại ngân hàng. Sau đó, người đàn ông yêu cầu giám định tài khoản của chị Đ. và đề nghị phong tỏa một năm sáu tháng.
Người đàn ông yêu cầu chị Đ. không được tắt máy điện thoại, luôn để ở chế độ nói chuyện và yêu cầu chị Đ. rút hết tiền ở ngân hàng để chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của người này đưa cho chị Đ. Mục đích là để giám định.
Chị Đ. thực hiện đúng theo yêu cầu. Người này hẹn chị Đ. 7 giờ sáng hôm sau sẽ thông báo kết quả. Nhưng đến sáng hôm sau, một số điện thoại 00438489703 gọi cho chị Đ. và nói còn một tài khoản tại ngân hàng thì rút nốt tiền gửi để giám định rồi họ sẽ chuyển trả ngay. Chị Đ. đã tới ngân hàng rút 475 triệu đồng rồi đi đến ngân hàng BIDV chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi 300 triệu, còn lại 170 triệu thì chuyển vào ngân hàng Sacombank vào tài khoản theo yêu cầu.
Đến 16 giờ chiều cùng ngày đối tượng thông báo đã nhận đủ tiền và sẽ chuyển trả lại nhưng sau đó chị Đ. đều không liên lạc được với các số máy đã gọi đến cho chị trước đó.
Với thủ đoạn tương tự như trên, mới đây, các đối tượng lừa đảo lại tiếp tục lừa nhiều người dân.
Cụ thể, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 15-12, có một phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài bưu điện gọi điện đến số máy bàn của chị N.T.T.H (ngụ TP.Vũng Tàu). Người phụ nữ này nói chị H. dùng tên để đăng ký thuê bao điện thoại tại Tây Ninh, nợ tiền cước 8,9 triệu đồng. Khi được hướng dẫn gặp một đối tượng xưng là công an Tây Ninh, qua điện thoại đối tượng cũng yêu cầu chị H. chuyển tiền vào tài khoản của chúng để xác minh do liên quan tới một vụ án. Chị H. đã chuyển số tiền gần 400 triệu đồng. Khi phát hiện bị lừa đảo, chị H. đã báo công an để yêu cầu ngân hàng ngăn chặn tài khoản trên rút tiền tại ngân hàng. Lúc này các đối tượng đã kịp rút tiền tại một tài khoản.
Tương tự, chị P.T.Q (ngụ TP.Vũng Tàu) cũng bị lừa và đã chuyển 1,2 tỷ đồng vào ba tài khoản của các đối tượng tại các ngân hàng.
Một lãnh đạo PC45 cho biết, hiện PC45 đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến chị Đ. để điều tra và chưa xác định được các đối tượng lừa đảo. Vì tất cả số điện thoại các đối tượng sử dụng đều là qua mạng điện thoại Internet. Sau khi nhận được tiền vào tài khoản, các đối tượng đã rút ngay thông qua dịch vụ rút tiền qua mạng Internet.
Vị này cũng lưu ý người dân: Khi công an mời làm việc, luôn luôn mới tới trụ sở chứ không không làm việc qua điện thoại. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm qua mạng điện thoại như trên.
Theo Trùng Khánh