Tràn lan hàng giả, hàng nhái từ miền xuôi lên miền ngược

Mánh khóe gian thương

TP -  “Cái gì cũng có”, đó là cam kết của giới buôn tại Nghệ An khi ai đó muốn lấy bất cứ mặt hàng giả, hàng nhái nào để kinh doanh. Ở đó, khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, mọi mặt hàng đều có thể được làm giả, làm nhái bất chấp đạo đức và các quy định kinh doanh.
Một góc kho hàng của nhà phân phối V.H với nhiều loại sản phẩm nhái thương hiệu

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là người dân miền núi về các loại hàng giả, hàng nhái, nhiều con buôn đã để lẫn lộn các loại mặt hàng này với hàng thật để tiêu thụ. Từ các thôn, xóm miền xuôi đến các vùng, bản miền núi, hàng giả, hàng nhái có mặt trong từng ngóc ngách.

Có mặt tại thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) giữa tháng 6/2019 trong cái nắng nóng như trút lửa mùa gió Lào, phóng viên Tiền Phong chứng kiến từng đoàn xe tải chở đủ loại hàng hóa tấp nập đổ về. Chọn mua ngẫu nhiên chai Coca-Cola từ một xe chở hàng, ngày sản xuất ghi trên nhãn mới chỉ cách khoảng 3 ngày, nhưng vỏ chai cũ kỹ, xơ xước. Quan sát bằng mắt thường thấy nước bên trong chai có màu đục, mở nắp uống thử thấy vị nhạt, không đậm đặc như nước Coca - Cola chính hãng. Qua quan sát, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều loại bánh kẹo, nước uống…có dấu hiệu bị làm nhái.

Trong vai con buôn có nhu cầu lấy một số lượng hàng lớn để tiêu thụ ở các huyện miền núi Nghệ An và đưa sang Lào, phóng viên đã tận thấy những chiêu trò của giới gian thương.

Nhờ các mối quan hệ, chúng tôi được Thuyết, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong giới buôn ở huyện Diễn Châu dẫn dắt. Khu vực này là ngã ba kết nối giao thông Bắc Nam và Đông Tây của tỉnh nên tập trung nhiều nhà phân phối với đủ các mặt hàng. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số nhà phân phối và cơ sở kinh doanh chuyên buôn bán các loại hàng giả, hàng nhái. Thuyết dẫn chúng tôi qua Cty TNHH dịch vụ và thương mại V.H, tại Khu công nghiệp (KCN) Diễn Hồng, Diễn Châu. Dù được giới thiệu đây là nhà phân phối có tiếng nhưng để tìm được kho hàng của công ty này không dễ. Kho nằm ở cuối đường ở góc KCN và được bao bọc bởi tường cao. 

Tại đây, chúng tôi được H, đại diện nhà phân phối niềm nở tiếp đón.  H. cho biết, để đưa lên các huyện miền núi, muốn lấy hàng gì cũng có từ Pepsi, Coca Cola, nước cam, nước khoáng, đến bánh kẹo, dầu ăn, sữa đủ loại… “Mùa hè, các chú nên lấy nước ngọt, nước cam, nước giải khát... bán chạy lắm. Nhưng để chuyển lên đó mà lấy hàng chính hãng thì không thể lãi được. Bây giờ, mình chỉ có cách lấy một vài loại chính hãng để “mớm” thị trường thôi. Còn lại là hàng giá rẻ”, H. tư vấn.

“Nghĩa là mình để lẫn lộn hàng chính hãng và hàng nhái?”, một thành viên trong nhóm hỏi lại.

Ngay lập tức, H. gắt giọng: “Mình làm ăn thì phải hiểu chứ. Mục đích chính là lợi nhuận. Không thể cạnh tranh được với hàng chính hãng thì làm bằng cách đó chứ làm răng được?”.

Theo giới buôn ở đây, để có thể giành được mối tiêu thụ và qua mặt được cơ quan chức năng, nhà phân phối hay con buôn cần phải “trộn” lẫn hàng nhái, hàng kém chất lượng cùng hàng chính hãng với tỷ lệ 50/50. Muốn lợi nhuận cao hơn có thể để tỷ lệ 70/30.

Đối với hàng tạp hóa, chúng tôi được Thuyết dẫn qua gặp Giang và Bình. Vừa gặp, Giang vỗ bàn buông lời: “Lên trên kia (các huyện miền núi - PV), các chú xác định lấy hàng nhái hết mới làm được. Hàng thật trên đó không có lãi, thậm chí 50% hàng thật chưa chắc đủ sống”. Thấy chúng tôi vẫn tỏ vẻ ngơ ngác, Bình ngồi kế bên tiếp lời: “Anh từng trong nghề, anh biết. Các chú cứ lấy bỉm trẻ con, băng vệ sinh, bột giặt…loại giá rẻ. Lấy hẳn cả hàng thương hiệu, khi quảng cáo mình đưa hàng này ra, nhưng khi chào hàng chắc chắn họ sẽ lấy loại giá thấp. Cách này mang lại siêu lợi nhuận”.

Do lợi nhuận từ việc buôn hàng giả và hàng nhái cao nên luôn có đội xe tải hùng hậu vận chuyển hàng từ miền xuôi lên các huyện miền núi như Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn… Tại thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) có thời điểm 70 xe tải đổ hàng cùng lúc (8-10 tấn/chuyến). Ngọc (37 tuổi, xã Diễn Kim, Diễn Châu), một người đã có thâm niên chạy xe hơn 10 năm cho biết, ngoại trừ 2 tháng hè, trung bình mỗi ngày có thể bán được 30 triệu đồng tiền hàng, với tiền lãi 2 triệu đồng/ngày.

Theo lý giải của Ngọc, tại khu vực này đa phần là người dân tộc thiểu số, ưa chuộng hàng giá rẻ. Tuy nhiên, giá hàng nhái hàng giả chỉ thấp hơn hàng chính hãng một chút nên lợi nhuận cao. Chẳng hạn, giá bột giặt Omo chính hãng loại 800 gam cấp cho đại lý 27.500 đồng/gói, nhưng loại giá rẻ chỉ khoảng 13.000 đồng. Với mỗi lần bán khoảng 100 gói, đã thu được tiền triệu. 

 Trong quý I năm 2019,  Ban chỉ đạo 389 và Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện, xử lý 2.196 vụ buôn lậu,  hàng giả, gian lận thương mại; Kiểm tra 645 vụ, xử lý 574 vụ vi phạm khác phạt 3,6 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.