Nỗi đau phía sau thế giới ảo
Chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Lực (SN 1971), bà Nguyễn Thị Vui tại ấp Đá Bạc, xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sau thời gian cô con gái N.T.A.T (SN 2000) của vợ chồng ông tự tử do bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Dù Phạm Tấn Lộc (SN 1994, người tung clip lên mạng) đã bị công an bắt giữ, nhưng nỗi đau vẫn hiện lên trên gương mặt những đấng sinh thành của hai gia đình.
Ông Lực kể lại, con gái ông và Lộc quen nhau gần 1 năm. Thời gian trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, do T. chuẩn bị thi vào lớp 10 nên vợ chồng ông khuyên can con gái tạm gác chuyện tình cảm lại để tập trung vào việc học, khi trưởng thành hãy nghĩ đến chuyện yêu đương. T. nghe lời bố mẹ đã nói chuyện với Lộc và chấm dứt chuyện tình cảm để lo học hành.
“Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi”.
Nạn nhân N.T.A.T cầu xin cộng đồng mạng trước khi tự vẫn
Vào một buổi chiều, Lộc đến nhà ông Lực nói chuyện với T. rồi hai người cãi vã. Bà Vui ra mặt đuổi Lộc về. Đến chiều thì gia đình phát hiện T. uống thuốc diệt cỏ tự tử. Ngày hôm sau, gia đình mới biết nguyên nhân là do Lộc tung đoạn clip “nóng” cảnh hai người khỏa thân quan hệ tình dục lên mạng xã hội Facebook. Đoạn clip nhạy cảm này được tung lên không bao lâu thì có hàng chục ngàn lượt chia sẻ, bình luận.
Cộng đồng mạng thẳng tay chỉ trích, bêu rếu, phỉ báng T. khiến nữ sinh lâm vào cảnh hoảng loạn. Nhiều lần lên Facebook cầu xin mọi người đừng chia sẻ đoạn clip và T. đã nhận sai: “Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi”, đoạn status cầu xin của T. trên Facebook.
Nhưng các “anh hùng bàn phím”, “nhà đạo đức” của thế giới ảo vẫn không bỏ qua mà tiếp tục chửi rủa, nên T. quẫn trí tìm đến cái chết. “Con tôi đang tuổi trưởng thành, bạn bè, thầy cô nhiều như thế làm sao chịu nổi khi bị hàng nghìn người chỉ trích”, bà Vui nước mắt lưng tròng. Trước khi qua đời, T. lấy điện thoại của mẹ và ghi âm lời cuối: “Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều lắm. Lộc ép con chết, tung video ép con chết. Bố mẹ chôn con gần nhà, đừng đưa con đi xa…”.
Ông Phạm Đình Lai (SN 1974, bố Lộc) vẫn chưa tin nổi con trai mình lại hành động nông nổi như thế. “Nghe bố mẹ T. nói, tôi đã nhiều lần khuyên bảo Lộc dừng chuyện tình cảm với T. lại, có yêu đương gì thì đợi con bé học xong rồi yêu. Không ngờ Lộc lại làm như thế”, ông Lai nói.
Không lâm vào cảnh bế tắc đến nỗi tìm đến cái chết như T., nhưng một cô bé khác tên N. (11 tuổi) cũng khốn khổ với việc tự quay clip khỏa thân lưu trong điện thoại nhưng không may làm mất điện thoại và những hình ảnh, clip bị tung lên mạng. Em phải nhiều lần lên mạng cầu xin người nhặt được điện thoại xóa những tấm ảnh, clip và cũng không tránh khỏi sự chỉ trích của thế giới ảo.
Hàng nghìn người nhào vào soi xét, bình luận, phê phán khiến em phải nhiều lần viết status van xin mọi người không chia sẻ, đăng ảnh của em nữa. “Xin tất cả mọi người đừng chia sẻ ảnh của em nữa. Điện thoại của em bị rơi và có người nhặt được đã đăng ảnh lên mạng. Xin mọi người đừng chia sẻ nữa. Em, gia đình em mệt và khổ lắm rồi”, đoạn status N. cầu xin cư dân mạng ngừng chia sẻ hình ảnh của mình.
Đặng Văn Khuyến lãnh án tử sau khi giết người yêu rồi lên Facebook “tự thú”.
Lời sám hối muộn màng
Sau khi tung clip lên mạng khiến nữ sinh 15 tuổi tự vẫn, một tài khoản Facebook được cho là của Lộc đã đăng status thể hiện sự hối hận và lời xin lỗi muộn màng. “Một lời xin lỗi không thể đủ để xóa tan những lỗi lầm anh gây ra. Nhưng giờ đây ngoài lời xin lỗi chân thành này ra anh không biết mình nên làm gì để được em tha thứ. Anh ước nếu thời gian quay trở lại, nhất định anh sẽ yêu thương em thật nhiều, sẽ không để em phải rơi nước mắt vì anh. Xin lỗi em...”, đoạn status được cho là của Lộc xin lỗi đã thu hút hàng trăm lời bình luận của dân mạng.
Nhắc đến những vụ án giết người dã man liên quan đến mạng xã hội, nhiều người dân vẫn chưa thể quên vụ án xảy ra cách đây không lâu khi mà Đặng Văn Khuyến (SN 1985, quê Thừa Thiên - Huế) truy sát người yêu cũ đến chết khi cô gái này vừa từ trong trụ sở Công an tố cáo Khuyến bước ra ngoài. Trước khi truy sát nạn nhân vào ngày 13/4/2013, Khuyến và chị L.T.T.H. (SN 1989) có thời gian dài yêu nhau. Do thường xuyên bị Khuyến đánh đập, hành hạ nên chị H. quyết định chia tay và phải nhiều lần chuyển trọ vì bị Khuyến tìm đến níu kéo tình cảm rồi dọa dẫm, đánh đập. Khi chị H. không đồng ý quay lại, Khuyến đăng ảnh khỏa thân của hai người lên Facebook. Chị H. nhiều lần yêu cầu Khuyến gỡ hình xuống nhưng Khuyến không chấp nhận khiến nạn nhân phải đến Công an cầu cứu.
Biết chuyện, Khuyến bám theo đợi chị H. từ trụ sở Công an phường 22, quận Bình Thạnh bước ra liền truy sát, chị H. bỏ chạy vào một quán cơm gần đó trốn thì Khuyến đuổi theo chém nhiều nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó, Khuyến bỏ trốn rồi lên Facebook viết status “tâm trạng” kể lể về chuyện tình cảm của mình với nạn nhân và những nguyên nhân dẫn đến việc ra tay tàn nhẫn giết chết người yêu cũ. Sau hai lần xét xử, Khuyến bị tuyên án tử hình về tội “giết người”. Khi được nói lời sau cùng tại tòa, Khuyến cúi gằm mặt, gạt nước mắt nói: “Tôi đã gây ra tội ác dã man với người tôi yêu thương nhất, tôi xứng đáng bị trừng phạt thích đáng. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, gia đình của tôi. Con xin lỗi cha mẹ, vì con mà cha mẹ đã đau buồn rất nhiều. Tôi cũng xin khuyên những thanh niên khác, khi yêu hãy tỉnh táo, đừng hành động dại dột như tôi”.
Dùng mạng xã hội chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em
Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam (VVC – T.Ư Đoàn) vừa tổ chức khóa tập huấn cho thanh niên kiến thức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cách thức ngăn chặn bạo lực thông qua kênh truyền thông mạng xã hội.
Khóa tập huấn diễn ra tại Hà Nội, thu hút hơn 30 học viên là thủ lĩnh các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên toàn quốc trong mạng lưới tình nguyện viên toàn quốc của VVC. Các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới, cách thức nhận biết các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong cuộc sống thường ngày, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực cũng như hậu quả và cách thức phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài ra, khóa tập huấn sẽ trang bị cho học viên các kỹ năng cần thiết để gắn kết và huy động những thanh niên khác trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái thông qua phương tiện truyền thông mạng xã hội.
Hà Thanh
Diễn đàn rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh Niên báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: banthanhnientienphong@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!