Mai Văn Phấn - chàng thi sỹ đi bên bờ sóng

TP - Nhà thơ Việt nhiều người song trùng nghề kiếm sống, nhưng người ta thường nhắc Xuân Diệu và Mai Văn Phấn cùng làm viên chức “Nhà Đoan”. Cả hai  hào hoa tương đồng đều một  cực đoan sống chết với Nàng Thơ.
Mai Văn Phấn

Xuân Diệu thành danh thì tấp tểnh rời ngay chân Thư ký Nhà Đoan. Nhưng Mai Văn Phấn khi cả nước biết đến thì vẫn lặng lẽ mẫn cán là công chức ngành Hải quan. Mỗi thời mỗi khác, nhưng lý do “cơm áo không đùa với khách thơ” chắc không phải là lý do để níu Mai Văn Phấn ở Hải Phòng.

Phấn thật, Phấn giả?

Nửa sáng thu Hải Phòng chưa mấy xa, quán vắng tôi và Trần Hòa Bình ngồi vu vơ, cách biệt qua lớp cây địa lan. Chúng tôi hành trình ngẫu hứng miền Đông Bắc. Café và nhạc Jazz. Màu sắc, hương vị và nhịp cứ gợi đến và âm hưởng của sự cô độc của những câu thơ văn xuôi hay những con tàu thiếp ngủ sau bão táp trùng dương.  

Cũng phải gần 20 năm tôi mới ú ớ trở lại cửa biển của Văn Cao, Nguyên Hồng. Và của người bạn - nhà - thơ - chấp - nhận - vong - thân - cô - độc để cách tân THƠ: Mai Văn Phấn. Giao tình của văn chương thật lạ. Hai mươi năm không biết nhà nhau, mà vẫn là bạn. Có lẽ tự phía tôi coi mình là bạn chàng nhiều hơn.

Dẫu Mai Văn Phấn chẳng sinh nơi đây, nhưng trong chàng thi sỹ hào hoa  thì hồn thơ lúc nào cũng mọng căng gió bốn biển. Chủ nhân của những câu thơ có nhịp của vô nhịp. Nhịp sóng. Mỗi con sóng tự làm mới mình sau một lần oằn mình vươn tới. Nhìn thấy bước sóng từ xa nhấp nhô, chuẩn bị đón nhận sự va đập, nhưng ta vẫn giật mình. Ấy cũng là nét đặc trưng thơ Mai Văn Phấn.

Phong vị Hải Phòng có trầm sâu của tinh tế Hà thành, có chân chất đằm thắm sen nhãn khoai lúa của châu thổ sông Hồng, và gân guốc vạm vỡ vầng ngực thủy thủ trên mũi tàu hứng bão.  Khí chất ấy, cũng hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn.

Trong một đối thoại, Mai Văn Phấn tự bạch:

“Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê hẻo lánh châu thổ sông Hồng (1955) những gì có thể gọi là văn chương tôi biết được vẻn vẹn những bài trong sách giáo khoa phổ thông và một vài cuốn sách hiếm hoi. Thời ấy chúng tôi thường ngâm ngợi hai bài thơ nổi tiếng là “Quê hương” của Giang Nam và “Núi Đôi” của Vũ Cao…

…Mọi người có đọc thơ Xuân Diệu, nhưng tôi không thích lắm. Nếu trở lại tuổi 18 (với tình cảm của người đàn ông chớm năm mươi như bây giờ), tôi sẽ cố gắng tìm đọc thêm nhiều những bài thơ thuần khiết về thiên nhiên. Hãy để cho lần nữa thiên nhiên dạy chúng ta cách yêu…”.

Bỗng ào đến những sinh viên, không hẳn là những sinh viên. Tôi nhìn lấp loáng phía sau người đàn ông bảnh bao, áo khoác mỏng màu café, quần bò ống đứng, đôi giày bệt đế mềm. Một ấn tượng lịch lãm.

Tôi lại chăm chú với suất café chậm.

Mùa thu chấm xác lá phượng trên mặt bàn đá cẩm thạch loang ngấn café.

Trần Hòa Bình tiếp điện thoại của ai đó và than rằng lần này đến Hải Phòng đã chớm thu. Hoa phượng tưng bừng náo động biển xanh trời xanh đã thiếp ngủ trên cành thưa mất rồi. Và không gặp được Mai Văn Phấn…

Đám khách đến sau gọi đồ uống có cồn. Âm thanh thủy tinh va chạm.

Ồn ào bốc cao. Tiếng nam:

- Xin giới thiệu với các bạn: Đây, nhà thơ Mai Văn Phấn, một trong những nhà thơ có thiên chức cách tân thơ Việt. Đồng thời là chủ nhân của maivanphan.com thuần vị văn chương. May cho tôi tình cờ vừa mới biết mặt nhà thơ mấy chục phút trước.

Vỗ tay rào rào. Những giao đãi hoan hỉ. Tiếng thiếu nữ:

- Đề nghị nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ ạ…

Gã được gọi là chàng Mai Văn Phấn kia, e hèm hắng giọng rè rè.

- Vâng, xin thư thư đã, mấy hôm nay tôi phải đi nói chuyện thơ, lại bia bọt lạnh, khoản âm thanh đang có vấn đề…

Tôi bỗng nhói lên như bị phản bội, vì dăm phút trước tôi gọi Mai Văn Phấn, thì chỉ nghe được lào thào, bối rối và cả chút băn khoăn.

- Ô ô ông… đấy à. Sao đường đột thế không biết. Tôi đang kẹt cuộc họp không thể trốn của cơ quan… Lát nữa tôi gọi lại cho ông ngay. Nhắn tin cho tôi địa chỉ ông đang ngồi…

Thi - sỹ - làm - thơ - bên - bờ - biển, vâng tôi đã từng gọi Mai Văn Phấn bằng danh từ trịnh trọng đó. Thì ra thi sỹ bận họp là để đi giao lưu với người hâm mộ. Không sao. Các nhà thơ thường hay ủy mỵ trước các độc giả của riêng.

Bỗng bị quê trước Trần Hoà Bình vì chính tôi đề xuất gọi cho Mai Văn Phấn. Đã hy vọng một cuộc gặp ngẫu nhiên, tùy hứng. Tùy hứng như mỗi câu mở đầu bài thơ của Mai Văn Phấn. Nhẩn nha vẽ khói thuốc quanh mặt, Trần Hòa Bình như không để ý đến câu chuyện bên kia hàng rào cây địa lan.

- Mai Văn Phấn luôn luôn ý thức làm mới mình, làm mới thơ. Xứng đáng là một trong những thủ lĩnh thơ Trẻ… bị cháy “sô” là đương nhiên. Đọc thơ Trẻ bây giờ thấy không ít dấu vết ảnh hưởng của hắn. Thơ hắn đã được giới thiệu ở Anh quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc… Tự hắn đã tạo áp lực cho hắn. Bọn mình nhanh nhanh lên rồi chuồn. Không nên làm khó bạn bè…

Tôi chia sẻ với Trần Hòa Bình, một nhận xét:

- Tòng sự ở cái ngành lý tài 100%, không biết là phúc hay họa với Mai Văn Phấn nhỉ? Thực lòng tôi sẽ chẳng bao giờ nhớ đến cái ngành hễ nghĩ đến là hình dung ngay một khuôn mặt căng thẳng khó đăm đăm, nếu không có Xuân Diệu ngày xưa, Mai Văn Phấn, Dương Hướng bây giờ và… và ông… ông Trương Quang Được cũng giỏi chữ hay thơ… thì tôi chỉ thấy đó là khối người với sắc phục lạnh lùng...

Bên kia, sau hàng chậu cây địa lan, một chàng Mai Văn Phấn nào đấy cất giọng đọc thơ. Một giọng bèn bẹt, mờ đục những bụi cặn, những câu thơ bị tãi ra lổn nhổn, khề khà.

Giọng chàng ngày xưa trong veo khi đọc thơ, chất giọng đủ lả lướt nhưng sang trọng, tiết chế, lướt qua dấu phẩy (,) , dừng lâu lâu dấu chấm (.), hổn hển dấu chấm than (!). Tự chàng một mình là cả một dàn nhạc với ông nhạc trưởng. Mà đâu chàng có dễ dãi mang những bài thơ “tặng những người mình yêu mình và mình yêu” đọc tùy tiện ở những nơi quán xá biến chúng thành những bài thơ “tán gái”. Hơn nữa, thơ của chàng chưa bao giờ hy vọng là thơ của số đông. Nó hiện thực đến huyền ảo. Nó không thách đố nhưng thách thức.

Vậy mà chàng đã mang những đứa con tinh thần của mình ra trưng bày ở một nơi sẽ làm chúng ô nhiễm. Những câu thơ tinh tế của chàng vang lên ông ổng như một sự nhạo báng.

Chúng mình hôn nhau trong
hành lang hẹp
trên cỏ xanh, trong những góc tối

trên tháp chuông, bên gốc cây cổ thụ...

Bốn bề nước tràn ướt chân
lúc ấy gió thổi rất mạnh

Con sâu đo em đu lên người anh
thì thầm gặm hết những xanh non

Con ong vẫn nhởn nhơ bay
thác đổ đều đều, mưa rơi rất chậm
nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về 
 một phía.

Tôi và Trần Hòa Bình ngồi lặng. Vừa muốn cười vừa không thể cười. Không thể tin kẻ đang ông ổng đọc thơ kia là Mai Văn Phấn, nhưng mà... tôi gặp Phấn đã lâu quá rồi... Chẳng lẽ hơn mười lăm năm mới trở lại Hải Phòng mà không gặp được Mai Văn Phấn thì cũng nhạt nhèo. Nản, Trần Hòa Bình trước khi bỏ đi với đám học trò, chua thêm:

-Tôi không thân với Phấn, nhưng tôi cam đoan kẻ đọc thơ Phấn bên kia là “giả Phấn” .

Người không nhớ nổi mặt tiền

Tôi nhớ một Mai Văn Phấn hơn mười lăm năm trước, sáng ngời như một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa, lên lên xuống xuống Đoàn Chủ tịch Hội nghị những người viết Văn trẻ. Long lanh và tự tin. Tóc ngắn vừa độ, mai xanh lướt dài xuống má, ria mép xanh mơ mềm mại ánh lên những cám dỗ của những nụ hôn tưởng tượng. Gương mặt luôn phảng phất nét cười nụ. Sơ mi cộc tay kẻ ca-rô sáng màu. Quần bò mác KingJo thời đó là cả một gia tài của tuổi trẻ với những đường chỉ vặn thừng chạy song song thời thượng dọc ống quần. Lại đôi giày da màu hạt dẻ, lướt bước êm như cuộn len ném xuống thảm. Mà nghe đâu chùm thơ dự thi mới đăng trên Văn Nghệ đang hứa hẹn vào tới vòng chung kết. Chàng đang giữ vị trí nào đó quan trọng ở Hải quan dưới Phòng.

Giờ giải lao chàng vừa rời Đoàn Chủ tịch là trở thành cục nam châm dính hút phóng viên, nhà báo. Không quá lạnh lùng, nhưng cũng không cởi mở. Một trạng thái đủ để tạo sự sâu sắc, bí hiểm của một thi sỹ dày phông văn hóa tiếp nhận từ trường ốc lẫn tự thân trau dồi. Ở chàng hứa hẹn phong cách của chính trị gia mà cũng có bóng dáng của một thi nhân không chịu đựng nổi sự tầm thường mòn cũ.

- Thưa nhà thơ trẻ Mai Văn Phấn. Nhà thơ có nghĩ là thơ mình hay?

- Tôi không nghĩ là thơ tôi không hay. Nhưng tôi tự tin ở thơ của mình.

- Anh kỳ vọng gì ở hội nghị này?

- Thì biết kỳ vọng gì. Nếu tôi không kỳ vọng vào thơ. Đó cũng là lý do để chúng ta đang trò chuyện với nhau.

- Ở hội nghị này có bao nhiêu nhà thơ trẻ tầm cỡ như anh ?

- Ồ, phép đếm quá đơn giản. Bạn có thể nhắc giúp tôi được mà.

- Bài thơ nào của nhà thơ đáng đọc nhất?

Mai Văn Phấn xòe bàn tay trước mặt. Những ngón tay gày, thanh sạch.

- Bạn thấy ngón nào của tôi đáng quý nhất. Tôi có cần loại bỏ đi một ngón nào không yêu quí?

- Nhà thơ có thầy thơ nào không?

- Bạn cũng có thể làm thầy tôi mà…

Người phỏng vấn không biết làm thế nào, đành hạ bài.. dùng tay nũng nịu vỗ bụp một cái âu yếm vào vai chàng thi sỹ đáo để: Ôi, cái anh này…

Khúc đối thoại ngắn ấy, đã không xuất hiện ở đâu, ngoài hằn nếp trong trí tôi một ấn tượng. Chẳng biết chàng có nhớ, hay cô phóng viên sắc sảo nọ còn ấn tượng.

Ta đối chiếu khúc đối đáp ấy với những cuộc phỏng vấn thường kỳ hằng năm của báo chí mà chàng đã chấp thuận, thì cái tinh thần từ những ngày đầu vẫn hoàn toàn xuyên suốt và thống nhất đến tận bây giờ.

Và đây: 5 phút với Mai Văn Phấn (do nhà thơ Lưu Diệu Vân thực hiện).

Nhà thơ cảm thấy nhu nhược khi phải đối diện với... vẻ đẹp quá sức tưởng tượng (chịu đựng) của mình. Mỗi người chỉ có một lần cơ hội... chết như một nhà thơ.  Một nghịch lý nhà thơ đang tôn thờ? ý nghĩa của Thi Ca. Ngôn ngữ là phương tiện của... sự bất lực và giả dối. Sự bất tận có thể so sánh với... ngu lâu dốt bền. Một bằng chứng huy hoàng của sự thất bại trong đời sống tâm linh của nhà thơ? Thấy mình thành thần tượng. Sự dốt nát của con người được biểu lộ qua hành động... quay vái lạy chiếc áo vừa treo lên giá. Chu vi phòng thủ của sự chết nằm ở… đường bao của sự kiêu hãnh được dát ra mỏng nhất... (Nguồn: damau.org).

Về sự không nhận diện được “kiến trúc mặt tiền” thì ngay cả đến “bà cụ thân sinh ra con gái” thi sỹ cũng phải bó tay vì tính quên đường. Chàng được vợ sai mang quà biếu cô giáo của con gái út, nhân ngày 20/11 ngay dãy nhà đối diện cùng phố Cát Cụt, nhưng lệch khoảng hơn chục số nhà. Nhưng chàng đã không tìm nổi địa chỉ, vì cánh cửa ngôi nhà đã khép che mất chiếc tủ kính bày hàng tạp hóa làm vật chuẩn. Nhà chia lô mặt phố và cánh cửa phòng khách nhà nước giống nhau rập khuôn kiểu trại lính, thì một nhà thơ cách tân như Mai Văn Phấn không thể nhập tâm là phải. Hỏi thăm hàng xóm, sợ mang tiếng ông bố  vô tâm. Thôi về, đành lỗi việc với vợ.

Đêm hôm ấy chẳng biết do rượu, do bị báo chí hay nhan sắc nào đó truy đuổi, gần 1 giờ sáng Mai thi sỹ tay cầm chìa khóa, vẩn vơ đi lại suốt mấy hành lang nhà khách Chính phủ số 10 Chu Văn An gõ cửa khắp các phòng. Tôi và Vũ Khánh, Nguyễn Hưng Hải đang ngủ thì nghe thấy động, tưởng trộm nhao ra thì thấy Mai Văn Phấn toát mồ hồi, đang tần ngần khổ sở.

- Này ông có nhớ phòng tôi ở đâu không nhỉ, tôi cần về nghỉ mà không nhớ ở chỗ nào nữa..

- Thì số phòng ghi ở chìa khóa.

- Nhưng tôi tìm suốt rồi, mà không tìm ra. Có cả chục phòng số trùng nhau… mới chết chứ.

Tả tơi, giọng chàng tuyệt vọng như muốn vỡ ra. Tội nghiệp mà cũng nực ruột. Chẳng bù cho lúc chiều chàng lạnh lùng giữa vòng vây nhan sắc.

- Ông không nhớ ở tầng nào à?

- Làm sao tôi nhớ được, thì tôi đi theo mọi người mà. Cứ phải mở cửa ra nhìn thấy túi đồ của mình thì tôi mới nhớ được.

Mà lạ, thế mà có thời chàng từng làm lính lái xe quân sự vào Nam ra Bắc, phải đi sông Hương, núi Ngự nhiều lần, may mà còn nhớ đường về nhà (!).

Nếu hình thức hoặc tính đãng trí không nhớ “mặt tiền” làm nên diện mạo một nhà thơ thì có gì đáng nói nhỉ. Nhưng chàng đây hiểu biết cổ văn Việt, không lơ mơ Trung Hoa, đọc nhiều sách triết và chắc chắn không ít lý số hoặc phong thủy. Một người như chàng sống nương đất Trạng Trình, thì không thể không quan tâm đến những sự ấy. Chàng đã từng dị ứng không ít lần thứ “văn hóa trạng” dân gian tự bằng lòng với cái vốn tự nhiên mà xoay xỏa vun vén kheo khéo trong không gian làng mà nổi nênh. 

Chàng hướng tới nguồn thơ đương đại có “tinh thần trạng”, nhưng phải là thứ “tinh thần trạng” như cụ Trạng Trình  đã truyền dạy. Một sự “vong thân“ luôn luôn diễn tiến, không phải nhà thơ nào cũng đủ văn hóa để tự tin phủ nhận mình bằng cách làm mới mình như chàng.

Vẫn lối sỏi hoa râm bụt rặng cúc tần tầm xuân ao rau muống gốc đa quê thấm đẫm hồn cốt nhưng chúng đã được chàng làm mới hình ảnh, làm mới cảm xúc bằng đương đại của thứ tiếng Việt đương đại. Bởi hơn ai hết chàng hiểu, rau muống ngày xưa chỉ luộc xào làm nộm đã là mỹ vị, thì nay các đầu bếp Việt có cả món rau muống chiên. Thức ăn còn thế huống chi thế giới thơ ca vốn được các thi nhân coi như thần linh. Nhưng chắc chắn, người ta không thể làm mới một thứ đã cũ nếu như không thông thuộc cái cũ.

Tôi đoan quyết, Mai Văn Phấn hay một vài nhà thơ nổi tiếng cách tân những năm 80 thế kỷ trước không phải tay mơ khi làm thơ lục bát. “Trên sáu/ dưới tám” là giá trị bất biến của thơ truyền thống Việt, nhưng cái đẹp của thơ Việt đến hôm nay với giá trị tự thân đương thời và những tích hợp tinh hoa thơ nhân loại thì dịch chuyển quá xa so với chuẩn định vàng đó. Mà Mai Văn Phấn là nhà thơ có tài và có lương tri.

Thơ ca và... chiếc túi lưới

Tôi đang ngơ ngẩn với những hồi ức và thơ ca, thì Mai Văn Phấn lịch sịch đến. Ông Phó Chi cục trưởng Hải quan Hải Phòng phong thái vẫn hào hoa đương độ, lại đi chiếc xe máy “quá khiêm cung”. Tôi thất vọng vì sự tưởng tượng. Con Wave không biết đồ hiệu Honda hay hàng Tàu nhái nham nhở màu sắc. Thế mà tôi trót hình dung thi nhân ngồi trên dòng tiền chảy vào chảy ra dưới dạng hàng hóa triền miền chỉ cần yên lặng thôi chẳng cần tiêu cực hay tích cực gì gì thì cũng phải ngự chiếc X5 lạnh lùng hoặc BMW hung tợn. Ngồi trên tiền mà lại làm được thơ hay thì cũng hơn cả lạ lùng ở nước Việt.

Tôi quên phứt gã giả danh Mai Văn Phấn nào đó còn đang lên đồng mà  hút vào quan sát Mai Văn Phấn thật dựng con Wave thương tích cẩn thận ngắm sau trước vuông góc với vỉa hè, y như căn chỉnh câu thơ trước với câu thơ sau theo khuôn phép. Tạch, khoá cổ, khoá càng. Thi sỹ xách chiếc túi giấy đựng hàng của siêu thị nào đấy bước đu đơ vào quán. Mắt nheo nheo tìm kiếm. Tôi giơ tay lên…

Chúng tôi ngồi đối diện. Nhìn thẳng. Có một chút gì gượng gạo lẫn thân thiết. Và cả bao điều muốn cởi tháo bung tuột, phơi bày, muốn gào lên át đi tiếng sóng ngoài xa rồi đột ngột hạ giọng thầm thì. Chúng tôi đã thật gần gũi nhau mà cũng xa cách nhau bao nhiêu.

Chiếc xe Wave gợi đến sự phóng túng buông thả một cách bụi bặm, thì ông chủ của nó lại khiến tôi liên tưởng tới miền niêm nót, óng nuột nào đấy. Có lẽ trong số nhà thơ đương đại nổi tiếng thì Mai Văn Phấn là một trong những người điển trai nhất. Chàng luôn thu hút được vô số sự thổn thức của các nàng sinh viên yêu thơ đã đành. Nhưng cũng không ít tâm tình thiếu phụ cũng lao xao rung động trước thơ chàng, và cả khuôn mặt dường như thời gian bất lực, luôn luôn mới như là tuổi bốn mươi. Mắt lạnh, nhưng đó là cái lạnh của người đang trầm tư với thơ, với đời. Cái cằm râu lởm chởm, dài ngắn đen nhức nhối huyền diệu như là những cái hôn dài ướt trong bóng đêm hay còn đâu đó chờ đợi.

Tôi bỗng cảm giác Mai Văn Phấn đang ngơ ngác, lo âu.

- Thế mà ba hay bốn năm mình mới chạm mặt trực tiếp với nhau nhỉ. Thời nay Internet thu ngắn khoảng cách ảo của con người nhưng lại đẩy xa khoảng cách thật của chính con người…

- Nhưng ngày nào, tháng nào mà chúng ta không gặp nhau đâu. maivanphan.com bao giờ thì phục hoạt đây.

- Tôi còn giữ cả chùm truyện ngắn của ông chưa kịp poste. Hacker nó hành, mà mình có làm gì họ đâu. Khi thông báo với bạn đọc tạm thời đóng website người tôi có cảm giác bị nhấn chìm trong trống rỗng, trầm cảm, thậm chí bi phẫn y như trạng thái tiêu cực bí bức trước cánh cửa thơ mỗi khi bất lực. Intermet chỉ là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải thông tin văn chương đến với số đông. Đã là văn chương thì là văn chương chứ không thể chia ra “văn chương mạng” hay “văn chương giấy”. Sự giả trang trên mạng hay trên giấy thì cũng tương đồng như nhau.

- Thời buổi này, hành động bất cứ điều gì tử tế đều phải “vong thân” rồi mới “vượt thoát” được…

Dùng chính những chữ của chàng để an ủi chính chàng và dường như cũng để trấn an chính tôi nữa. Phấn bỗng ngồi thừ nhìn mãi những xác lá phượng bay đâu đó. Tôi buột ra.

- Rồi sẽ thế nào nhỉ?

- Chẳng thế nào cả. Cuộc sống thì vẫn qua theo cách riêng của nó. Thơ ca cũng vậy… Chàng sột soạt lấy ra một vật trong chiếc túi giấy giơ lên cao và giũ giũ  nói: “Ông có biết là cái gì đây không? Nó là chiếc túi lưới để giặt đồ mỏng cho khỏi  xơ rách trong máy giặt. Tìm mãi hôm nay mới kiếm được. Tôi có niềm vui kỳ quặc là được giặt quần áo và phơi quần áo cho vợ con ông ạ…

Kỳ quặc gì đâu, thế hệ chúng ta trưởng thành gần nửa đời thời phân phối diêm, dầu hoả, đám nhân sinh văn nghệ không biết giặt quần áo không lau nhà cho vợ con thì làm sao có lý do để nhìn cuộc đời đến bây giờ.

Nghĩ vậy, và tôi im nhớ đến chuyện của một nhà văn lão thành, nổi tiếng ở Hải Phòng. Rằng ông vốn quí, đã viết chân dung Phấn cả năm sáu ngàn chữ, rồi vẫn để ngăn kéo. Nhiều buổi tối ông đứng trước cửa nhà Phấn định bước vào rủ đi café, nhưng thấy vợ nhà thơ đang đọc bản thảo của chồng, còn nhân vật chính thì nô đùa với hai đứa con gái như những học sinh trung học. Ông đã lui bước, chấp nhận một mình.

Mai Văn Phấn được hai cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Thiếu nữ lớn vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, hiện chờ ngày sang Anh làm  MBA kinh tế. Con gái út học trường chuyên. Có cô giáo gốc Hà Nội đọc hàng ngày những tác phẩm của chồng và những gì người ta viết về chồng mình. Khi biết tôi viết gì đó về mình, chàng liền xuống giọng.

- Ông ạ, tôi có thế nào thì cứ viết thế. Đừng thêm dấm ớt vào mấy vụ em út là tôi chết oan với bà xã. Bọn mình bị vợ đuổi ra khỏi nhà thì biết đi đâu?

Uh..h… Ai bảo có mẽ đào hoa cho lắm vào. Như là có sự ghen tỵ trong tôi. Nhưng may tôi đã kìm được miệng. Một người nghiêm cẩn từ việc công đến việc tư như Phấn chẳng nhẽ tôi lại dọa cho mất thăng bằng, khiến nàng Thơ lao đao hay sao.

Bên kia hàng cây địa lan, gã giả danh Mai Văn Phấn khụng khịnh đi ra cùng với các fan hâm mộ. Ngay trước mũi Mai Văn Phấn thật và tôi. Những định nói cho Phấn biết sự vụ. Nhưng liệu có cần thiết không nhỉ. Một nhà thơ mà được người khác mạo danh mình đi đọc thơ mình, dù cho ở nơi quán xá, xét cho cùng cũng chỉ vài thi nhân có hạnh phúc ấy. Rõ chuyện biết đâu chàng sẽ lại thắc thỏm lo âu. Thứ lo âu muôn thuở vội vã tôi cảm nhận và bắt gặp ở chàng, dù thoáng chốc trên đường chạm nhau ở xứ Đông hay xứ Đoài. Thôi thì hãy nói chuyện cuộc đời. Bây giờ thiên hạ còn mạo danh nhau làm những chuyện nghiêng sông lệch núi mà có thấy làm sao.

Đúng lúc Trần Hoà Bình “a lô” gọi tôi tiếp tục cuộc hành trình đông bắc.

Mai Văn Phấn quýnh quánh vò vò chiếc túi lưới giặt đồ. Chàng cô độc và buồn phiền ở đâu đó bên trong. Tôi cảm nhận được điều ấy ở chàng. Nhưng gọi ra tên miền cô độc ấy thì không. Về  Hải Phòng về thơ về chàng Mai thì còn chưa hết điều tôi muốn nói. Mà cũng chẳng dễ gì để nói.

Phải không Mai Văn Phấn, chúng ta mất dần từng tế bào, nhưng thơ và cuộc đời mãi luôn trẻ.

Lúc này, thì hình ảnh ấy đang nhạt nhoà, mà nhường chỗ cho một trường đoạn khác mà tôi vẫn hình dung bấy lâu: Mai Văn Phấn lững thững đi bên mép sóng  biển đông bắc trong đêm trăng suông bạc trắng. Dấu chân tiếp dấu chân cô độc trên cát, phút chốc sóng biển đã xóa nhòa, phẳng mịn. Những dấu chân còn “vong thân” huống hồ sự đổi mới, cách tân thơ của thiên niên kỷ mới, chàng Mai Văn Phấn không vong thân, thì làm sao có một Mai Văn Phấn đang đi bên lệch cả miền sóng?