Bù đắp thiệt thòi
Ngay trong ngày đầu tiên báo chí đăng tải sự việc bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM), 85 trẻ nhỏ đã được cơ quan chức năng chuyển đến chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức) và Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp). Trải qua 2 đêm ở nơi ở mới, các em nhỏ đã dần thích nghi và sức khỏe cũng được cải thiện.
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức) hai ngày gần đây chộn rộn hơn hẳn vì có sự xuất hiện của 32 em bé mới chuyển đến. Các em được chia thành hai phòng, gồm phòng cho trẻ dưới 2 tuổi và phòng cho các bé lớn hơn. Những căn phòng này rộn rã tiếng nói cười con trẻ, được trang bị nhiều đồ chơi và có hai cô bảo mẫu túc trực chăm sóc, lo cho các con từ việc ăn cơm, uống sữa, tắm gội đến khi vào giấc ngủ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Nguyễn Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình vào sáng 6/9 chốc chốc lại gián đoạn vì bà liên tục quan sát rồi dặn dò đầu bếp, các cô bảo mẫu để ý từng em và phải báo cáo ngay cho ban giám đốc trung tâm khi thấy biểu hiện lạ. “Tôi dặn đi dặn lại các cô phải ân cần như chăm con của mình, nếu công việc áp lực quá có thể xin nghỉ một vài hôm chứ không được nóng giận với trẻ. Các con đã thiệt thòi nhiều, mình phải tìm cách bù đắp”, bà Hồng trăn trở.
Ba ngày trước (sáng 4/9), bà Hồng nhận được nhiệm vụ tiếp nhận trẻ em từ nơi khác đến. Hơn 20 năm làm nghề, bà Hồng từng đón nhiều trẻ bị bạo hành, ngược đãi tới trung tâm nhưng chưa lần nào tiếp nhận số lượng lớn cùng lúc như vậy. Vừa nhận tin, ban giám đốc trung tâm đã huy động nhân lực dọn dẹp căn phòng rộng hơn 15m2, vốn dĩ là phòng sinh hoạt chung để đón trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng tới. Vốn dĩ căn phòng này được dự phòng làm nơi cách ly trẻ mắc bệnh sởi, nếu trường hợp dịch sởi bùng phát. “Chúng tôi đang lắp ráp thêm quạt, tivi để các cháu được sinh hoạt tiện nghi hơn. Các bé không có biểu hiện nghiêm trọng nào về sức khỏe nhưng hầu hết tâm lý chưa ổn định. Hy vọng trong thời gian tới, khi được yêu thương, chăm sóc tận tình thì các con sẽ nhanh hòa nhập với môi trường mới”, bà Hồng nói.
Với một trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, bà Hồng cho hay sẽ sớm sắp xếp cho cháu quay lại trường ngay đầu năm học mới. “Chắc chắn là bé đã bỏ lỡ lễ khai giảng. Trẻ càng lớn thì càng khó ổn định tâm lý nên mọi thứ đều cần có thời gian. Chúng tôi phải chờ thêm rồi mới quyết định xin nhập trường cho cháu”, bà Hồng bày tỏ.
Không phải trong ca làm việc, nhưng bảo mẫu Lê Thị Bảo (54 tuổi) trong tối 4/9 cũng được gọi tới chăm sóc các bé. Đây cũng là một đêm không ngủ với người phụ nữ này. Đã làm việc hơn 12 năm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, nhưng đây là số lần hiếm hoi bà Bảo và các đồng nghiệp phải thức suốt đêm để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt. Bà Bảo nhớ lại, lúc xe vừa dừng trước cổng trung tâm, nhiều trẻ bước xuống với gương mặt mếu máo, hoảng loạn, mệt mỏi. Các cô phải ôm vào lòng vỗ về, sau đó đút một ít cháo, cho uống sữa, tắm rửa và ru ngủ để các cháu dần ổn định tâm lý.
“Khoảng 21 giờ hôm đó thì các cháu mới ngủ. Có cháu khóc quấy suốt đêm, tiếng khóc vang lên khiến chúng tôi không ai chợp mắt. Xót và thương cho những em nhỏ kém may mắn từ khi lọt lòng mẹ, lại phải chịu cảnh bị bạo hành”, bà Bảo nói và cho hay đã 2 đêm trôi qua, chưa đêm nào căn phòng nuôi dưỡng trẻ vắng tiếng khóc. Có em trong cơn mê ngủ lại nấc lên nghẹn ngào. Ban ngày, các em tươi cười chạy nhảy, thấy ai tới cũng đưa tay đòi bế, ăn ngoan nhưng đôi lúc cũng cáu gắt.
Hầu hết trẻ không có tên tuổi
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng tiếp nhận 15 trẻ từ mái ấm Hoa Hồng. Khi khám cho các bé, bác sĩ tại trung tâm phát hiện có 3 trẻ bị viêm phế quản, 2 trẻ bị tim bẩm sinh, hầu hết các trẻ không có tên tuổi, lưu thông tin bằng số thứ tự…
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Diệu, Phó giám đốc trung tâm, từ khi tiếp nhận trẻ, trung tâm bố trí một phòng đầy đủ tiện nghi gồm giường, nệm, máy lạnh, quạt, máy nghe nhạc,… “Khi tiếp nhận, các bé hoàn toàn không có tên, tuổi mà chỉ có vài thông tin sơ sài, phần lớn được ghi chú có mẹ là sinh viên. Quá trình tiếp nhận, chúng tôi đánh số thứ tự cho từng bé để dễ theo dõi”, bà Diệu nói.
Do không có thông tin tên tuổi nên sau khi tiếp nhận, trung tâm đo cân nặng rồi dựa vào kinh nghiệm để ước lượng tuổi của từng bé. Từ đó, mỗi cháu sẽ có được chăm sóc theo lượng sữa, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bà Diệu nói thêm, khi mới về trung tâm, nhiều trẻ khủng hoảng nên khóc nhiều, không uống hết phần sữa của mình. Các cô phải ôm các bé vào lòng vỗ về thì tình trạng này mới được cải thiện. Đến nay, các bé đã tươi cười, vui đùa và ăn uống tốt hơn. Những trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng được bảo mẫu bổ sung thêm sữa công thức. Trung tâm bố trí mỗi ca có 4 nhân sự chăm sóc cho 15 em, tăng cường nhân viên y tế túc trực để thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe cho các bé.
Tạo môi trường sinh hoạt tốt nhất
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định, ba cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng sẽ tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh cho các trẻ. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với địa phương để kiểm tra, quản lý, giám sát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội đã cấp phép; ngăn chặn các cơ sở bảo trợ không phép hoạt động.