Lý do Việt Nam được chọn tổ chức WEF ASEAN 2018

TPO - Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng: "Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sôi nổi với mức tăng trưởng hơn 7%/năm cùng dân số trẻ". 
Ông Justin Wood,Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, chính sách Việt Nam có nhiều đặc tính thú vị . Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, ông Justin Wood cho biết, Việt Nam đã và đang phát triển nhiều kế hoạch vững mạnh của nền kinh tế, bao gồm một khu vực sản xuất, xuất khẩu cạnh tranh, một thị trường tiêu dùng sôi động và những cơ hội hấp dẫn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Tất cả những yếu tố khiến Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu.

Ông Justin cũng nói thêm: "Từ quan điểm chính sách,Việt Nam có nhiều đặc tính thú vị, cho thấy chính phủ sẽ có nhiều đóng góp vào những cuộc thảo luận chính sách quan trọng".

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 có nhiều gam màu sáng.
Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng nhận thấy, Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ để thấu hiểu ý nghĩa của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với một quốc gia có thu nhập trung bình,nhưng có những lộ trình phát triển và công nghiệp hóa. 

Việt Nam là một nước ủng hộ mạnh mẽ khối ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng phản ứng của khu vực trước những thách thức cam go. Đồng thời, Việt Nam là một phần của vùng Mekong thuộc ASEAN và đang đóng góp cho tầm nhìn mới của một Mekong hội nhập.

Cuối cùng, Việt Nam là đối tác quan trọng của Diễn đàn Kinh tế thế giới với nhiều dự án cũng như sáng kiến thú vị đang và sẽ được triển khai tại đây.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong nửa đầu năm 2018 và dự kiến sẽ tăng 6,8% trong năm 2018. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và tốc độ này đang vượt qua Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2018.

Còn theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017-2018,Việt Nam đã tăng lên 5 bậc, xếp thứ 55.

Trong Chỉ số Tăng trưởng Toàn diện,Việt Nam là một phần của nhóm các nền kinh tế đã làm tốt việc khiến các qui trình tăng trưởng của đất nước trở nên toàn diện và bền vững hơn.Nhóm này bao gồm Cộng hòa Séc, Iceland, New Zealand, Nicaragua, Rwanda và Hàn Quốc.