Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có tờ trình gửi Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ qua sông Hương, với chiều dài khoảng 1.900 mét, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, dư luận ở Huế và trong giới chuyên môn về quy hoạch đô thị có nhiều ý kiến không đồng tình về dự án này.
Có người hồ hởi vì Huế có thêm một đại công trình. Họ lập luận công trình giao thông xuyên lòng đất sẽ không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, không phá vỡ cảnh quan môi trường của thành phố di sản văn hoá, không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp sông Hương.
Bởi vì, nếu thêm những cây cầu thì sông Hương bị chia thành nhiều khúc đoạn, làm mất vẻ mềm mại uyển chuyển của “dải lụa mềm lấp loáng ánh dương”.
Vị trí được xem là lý tưởng nhất, được đơn vị tư vấn lập dự án lựa chọn để làm đường hầm nằm ở phía trên cầu Bạch Hổ – Dã Viên khoảng 1.200 m. Hầm nối tiếp đường Nguyễn Hoàng, chui qua đường Kim Long (bờ bắc) qua sông Hương, qua đường Bùi Thị Xuân (bờ nam) nối với đường vành đai 3 của thành phố Huế.
Đường hầm sẽ nằm ở phía tây kinh thành, nơi mật độ dân cư cũng như mật độ lưu thông đang còn rất thấp. Đường hầm này chỉ đáp ứng một nhu cầu rất nhỏ về giao thông nội đô của Huế.
Một quan ngại khác, cửa hầm bờ bắc chắc chắn phải nâng cao để tránh lũ. Đã cao thì phải to, cùng với hệ thống đường dẫn miệng hầm sẽ trở thành hàm cá mập ngoạm vào khu nhà vườn Kim Long và sông Kẻ Vạn?
Tương tự, cửa hầm bờ nam sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực Thành Lồi và những ngôi chùa, miếu cổ, nhà vườn ở vùng Xuân Hòa, Lịch Đợi, Phường Đúc? Từ đây nảy sinh một mâu thuẫn mới.
Một mục tiêu được đề ra trong dự án là nhằm phát triển chuỗi đô thị phía tây thành phố Huế. Vấn đề này đã được UNESCO khuyến cáo khi xây dựng tuyến đường tránh phía tây thành phố và bắc cầu Tuần qua sông Hương. Vì đó là “sự phát triển nguy hiểm của các cơ sở hạ tầng về đường sá trong khu di tích đã được xếp hạng”.
Phần nhiều ý kiến thì cho rằng: Có hơn 1.100 tỷ đồng tại sao không làm thêm vài chiếc cầu thật đẹp qua sông Hương ở những vị trí hợp lý. Những chiếc cầu này không hoành tráng như cầu Mỹ Thuận nhưng sẽ đẹp hơn nhiều vì sông Hương hẹp và rất đẹp.
Ví dụ: Ở phía đông kinh thành làm cặp cầu treo nối Cồn Hến với khu phố cổ Gia Hội và bài thơ Thôn Vỹ; bắc cầu qua sông Đông Ba ở đoạn Mang Cá - Thài Lại, làm lại cầu Đông Ba cho thật đẹp...
Ở phía tây chọn vị trí thích hợp làm một chiếc cầu nối đôi bờ Kim Long – Nguyệt Biều; làm những chiếc cầu hài hòa với kiến trúc kinh thành Huế bắc qua sông Kẻ Vạn đi vào cửa Hữu, cửa Chánh Tây - để nối đường Nguyễn Hoàng với miệt vườn Kim Long.
Những chiếc cầu này cách nhau rất xa, đứng trên cầu này không nhìn thấy cầu kia, không có cảm giác nặng nề như 3 chiếc cầu Trường Tiền- Phú Xuân - Dã Viên liền kề ở ngay trước mặt kinh thành. Những chiếc cầu này phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa là công trình giao thông nội đô vừa là những công trình nghệ thuật, một điểm đến hấp dẫn du khách như cầu Trường Tiền hiện nay.
Xây dựng mới, cần cân nhắc
Hơn 30 năm qua Huế có tốc độ xây dựng nhanh nhất nhưng không có bộ mặt mới. Biểu tượng của Huế ngày nay vẫn là Ngọ Môn, Thiên Mụ, Trường Tiền, Phu Văn Lâu, Hiển Lâm Các… Những công trình xây dựng mới chỉ làm cho Huế xấu đi.
Nhiều ý kiến cho rằng việc làm mới Huế nên dừng lại. Kinh phí chỉnh trang, nâng cấp đô thị Huế chủ yếu dùng để phục hồi lại Huế thời hoàng kim. Phải tìm lối thoát cho Huế bằng việc xây dựng một chuỗi đô thị mới - như Sài Gòn đang phát triển về phía Củ Chi, Thủ Đức, Thủ Thiêm…
Triều Nguyễn mới khai thác dòng sông Hương để xây dựng đô thành gấm vóc của mình từ ngã ba Tuần đến Bao Vinh. Chúng ta cần tôn tạo, nâng cấp để công viên hóa thành phố, xứng danh là cố đô di sản.
Đô thị mới vẫn còn nhiều hướng để phát triển. Đó là dọc sông Hương, từ Bao Vinh, Vỹ Dạ xuôi về phía biển Đông và dọc phá Tam Giang. Trục phía bắc nối An Hòa - Tứ Hạ. Trục phía nam nối An Cựu – Phú Bài. Trục “về nguồn” ở phía tây nối Bình Điền - A Lưới.
Bài thơ đô thị Huế đã chật chội lắm rồi, không nên nhồi nhét thêm các công trình lớn, nên dành kinh phí cho những việc hữu ích hơn.