Nhu cầu sửa đổi Bộ luật Lao động:

Lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn các nước 40%

TP - Ngày 1-4, diễn ra hội thảo quốc gia “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn” do Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã làm nảy sinh quan hệ mới giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Vì thế, việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn là rất cần thiết.

Bà Phạm Lan Hương - Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Quản lý Kinh tế trung ương, Bộ KH&ĐT) cho biết, từ năm 2002 đến nay, Việt Nam đã phải đối đầu nhiều với các vụ kiện chống bán phá giá, nguyên nhân là giá hàng xuất khẩu thấp do chi phí thấp, trong đó mức lương trả cho NLĐ quá thấp.

Theo bà Hương, việc trả lương thấp cho NLĐ khiến tất cả các bên đều thiệt. NLĐ thiệt vì lương không tương xứng với giá trị lao động, không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Người sử dụng lao động thiệt, vì xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khởi kiện giảm, sản xuất thu hẹp. Ngay cả khách hàng của các doanh nghiệp cũng chịu thiệt, vì nếu doanh nghiệp nâng giá một chút để bù vào khoản tăng lương thì khách hàng vẫn mua được hàng giá rẻ hơn so với khi mặt hàng đó bị đánh thuế chống bán phá giá.

Bà Hương cho rằng, tình trạng thiệt đơn, thiệt kép trên chỉ chấm dứt khi Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định chặt chẽ hơn về tiền lương và việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn.

Lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp không trả lương theo năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc, mà lấy mức lương tối thiểu làm gốc tham chiếu để trả lương cho NLĐ phổ thông. Chế tài với người sử dụng lao động cũng chưa nghiêm nên khi vi phạm luật, họ cũng không bị xử phạt.

Lao động giá rẻ được coi là một trong những lợi thế của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, mức lương không thỏa đáng dẫn đến quan hệ lao động bất ổn, gây e ngại cho các nhà đầu tư.

Đại diện cho NLĐ cũng gặp khó

Hiện, NLĐ gặp nhiều khó khăn (lương thấp, không được ký hợp đồng lao động, các điều kiện về vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo, chế độ tăng ca không đúng quy định…), nhưng tổ chức công đoàn - đại diện cho NLĐ cũng gặp khó khăn khi đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Ông Nguyễn Duy Vy - Phó ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, biên chế cán bộ công đoàn cấp huyện bình quân là 2,5 người/ huyện; trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ theo quy định mới, mỗi Liên đoàn Lao động huyện cần ít nhất 5 biên chế.

Trong cả nước có 686 đơn vị cấp huyện nên cần tăng thêm 1.715 biên chế. Chi phí cho một biên chế là 50 triệu đồng/năm, như vậy chi phí tăng thêm của công đoàn là khoảng 85 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện quy định về tài chính công đoàn còn chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp chây ỳ không đóng phí công đoàn.