Lùi thời điểm xử phạt xe không chính chủ

TP - Dù quy định bắt buộc sang tên đổi chủ phương tiện, nhưng các trường hợp mượn xe của bạn bè và người thân không bị xử phạt. Người dân có hẳn hơn 3 năm để chuẩn bị sang tên, đổi chủ cho xe máy.

> Xử phạt xe máy không chính chủ từ 2017
> Bộ GTVT nói gì về bỏ phạt xe không chính chủ?

Ô tô và xe máy sẽ có từ 1 đến 3 năm để sang tên đổi chủ. ảnh: Sỹ Lực..

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, việc xử phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ (nhiều lần Bộ GTVT đề xuất bãi bỏ) được thực hiện có lộ trình.

Tránh gây phiền hà người dân

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) dù nghị định có hiệu lực từ 1/1/2014, nhưng việc xử phạt lỗi xe không chính chủ được lùi lại. Cụ thể, thời điểm xử phạt hành vi này đối với xe ô tô từ 1/1/2015; với mô tô, xe máy từ 1/1/2017.

Mức phạt giảm xuống 100 - 200 nghìn đồng với mô tô, xe máy (trước đây, 800 nghìn - 1,2 triệu đồng) và 1 - 2 triệu đồng với ô tô (trước đây, 6 - 10 triệu đồng). Đồng thời, việc kiểm tra xử phạt chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe; không kiểm tra phương tiện đang lưu thông để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Nghị định 171 quy định thêm một số hành vi mới bị xử phạt như: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước).

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Các trường hợp anh đi xe em, vợ đi xe chồng, bạn bè mượn xe của nhau không bị xử phạt. Người đi xe được xem là hợp lệ khi biết chủ phương tiện đó là ai”.

Ông Hiệp khuyến cáo, thời gian lùi xử phạt với hành vi này đủ để người dân hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ.

“Phương tiện là tài sản lớn, người sử dụng muốn mang đúng tên mình; cơ quan nhà nước cũng muốn chính chủ để quản lý. Hai nhu cầu gặp nhau, chỉ vướng ở mặt thủ tục nên sẽ tiếp tục được tháo gỡ” - ông Hiệp nói.

Cũng liên quan vấn đề này, khi ô tô sang tên đổi chủ mà hạn đăng kiểm vẫn còn, Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định phương tiện không phải đăng kiểm lại (Tiền Phong phản ánh trong bài Nhiêu khê tái đăng kiểm vào tháng 5/2013).

Giảm các mức phạt

Trong Nghị định mới, mức xử phạt với hầu hết các hành vi vi phạm không tăng mà được giữ nguyên; thậm chí có giảm nhẹ với một số hành vi. Trong đó, từ góp ý của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, lái xe điều khiển xe khách không gắn thiết bị giám sát hành trình không bị giữ bằng lái như (quy định) trước đây.

Ưu điểm nữa của Nghị định mới là các hành vi vi phạm được mô tả chi tiết, cụ thể hơn. Trong đó, hành vi ô tô vượt bên phải (xe cùng chiều) trên đường có nhiều làn xe (trước đây, trong tình huống này, nhiều người bị xử phạt lỗi vượt phải) nay xác định là không vi phạm. Về xử phạt ai khi người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc không cài quai đúng quy cách, nay được quy định rõ: Xử phạt người điều khiển.

Quy định tạm giữ phương tiện giảm xuống còn 7 ngày (trước đây 10 ngày); các trường hợp tạm giữ cũng giảm, chỉ áp dụng trong các trường hợp: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện, điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe …

Đại diện Cục CSGT Đường bộ-Đường sắt cũng cho biết đang gấp rút chuẩn bị tập huấn để các đơn vị thực hiện theo Nghị định mới.

Theo Báo giấy