Làn sóng tẩy chay lan rộng
Qua thời đói khổ, trẻ em bắt đầu khóc thét ghê sợ khi thấy cha mẹ làm thịt chó. Du khách kinh dị quay lưng trước những kệ bàn chất đầy thân chó chín thui. Rỉ rả từ đâu đó lan ra vô số chuyện rợn người về nhân quả báo ứng với những kẻ chuyên giết chó đẫm máu sát sinh... Hàng loạt nguyên nhân cộng hưởng đã tạo nên cả làn sóng tẩy chay thói quen ăn thịt chó khắp các quốc gia.
Hàn Quốc, nơi mỗi năm có hơn 2 triệu con chó bị thịt, tháng 4/2018 mới đây, trước sức ép của Care- Tổ chức bảo vệ quyền động vật, lần đầu tiên đã phải mở phiên tòa luận tội một chủ trang trại chó thịt. Hội đồng xét xử tuyên: “Với các tội danh giết hại động vật không có lý do chính đáng, vi phạm luật xây dựng và vệ sinh, bị cáo phải nộp phạt 3 triệu won!” (khoảng 60 triệu VNĐ).
Mặc đám đông hò hét phản đối sự nghiêm khắc chưa từng có án lệ ở đất nước nghiện thịt chó này, nghị trường đã xuất hiện bản đệ trình điều luật cấm thịt chó, còn đại diện tổ chức Care thì mạnh mẽ tuyên bố sẽ tiếp tục khởi kiện tương tự, với nhiều trang trại nuôi chó và các cơ sở giết thịt trên khắp Hàn Quốc.
Trước đó, tháng 4/2017 Đài Loan cũng đã ra lệnh cấm người dân ăn và buôn bán thịt chó mèo. Ai vi phạm sẽ bị công khai tên tuổi và hình ảnh. Đạo luật Bảo vệ Động vật của Đài Loan bổ sung thêm chế tài người ăn thịt chó mèo, tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể phải nộp phạt từ 50.000 - 250.000 Đài tệ (38 - hơn 190 triệu VNĐ).
Tròn 10 năm trước, Trung Quốc đã có lệnh cấm bán thịt chó trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008, trước hàng vạn quan chức, du khách quốc tế ác cảm với thịt chó. Năm 2016 các nhà vận động cho quyền vật nuôi ở Trung Quốc thu thập được tới 11 triệu chữ ký ủng hộ bản kiến nghị phản đối thịt chó.
Thành phố Ngọc Lâm (tỉnh Quảng Tây) vốn có truyền thống lễ hội thịt chó náo nhiệt với những đoàn xe nghễu nghện chất đầy các lồng nhốt chó, tự cho là sự kiện thú vị níu chân du khách.
Trước sức ép dữ dội của các tổ chức bảo vệ quyền của động vật, ngày 17/5/2018 thành phố này đã phải ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó tại tất cả các nhà hàng, địa điểm buôn bán và họp chợ suốt thời gian lẽ ra tổ chức lễ hội phản cảm này, vào tháng 6 hằng năm.
Indonesia từng gây kinh dị bằng hình ảnh thui chó bằng đèn khò trước mắt nhìn thản nhiên của thực khách trên hàng trăm đảo lớn nhỏ. Nhưng từ tháng 8/2018, chính phủ nước này đã ban hành quy định cấm bán thịt chó nhằm chặn tình trạng lây lan bệnh dại và vì phản ứng dữ dội của nhiều du khách dọa tẩy chay ngành du lịch nước này.
Cứu chó từ Á sang Âu
Tại Anh, chính quyền của Thủ tướng Theresa May cũng bị các tổ chức dân sự, đặc biệt là Liên minh Chó Thế giới (WDA) gây sức ép về việc cần ra lệnh cấm ăn thịt chó hoàn toàn trên khắp nước Anh, đặc biệt lưu ý đến các đối tượng nhập cư đã lây nhiễm thói quen ăn thịt chó từ châu Á sang châu Âu.
Liên minh Bảo vệ Chó châu Á ghi nhận: Vụ giải cứu chó lớn nhất tại Thái Lan là vào năm 2012 với hơn 1.200 chú chó may mắn thoát khỏi đường dây buôn lậu, giết mổ được đưa về trạm cứu hộ Buriam và Soi Dog Phuket.
Tại đó, chúng được tiêm phòng các loại bệnh dịch, triệt sản, kiểm tra, theo dõi sức khoẻ, được chăm sóc về mặt tinh thần, làm quen lại với con người để sớm hoà nhập lại với cuộc sống và được các gia đình nhận nuôi.
Làng Tha Rae ở Thái Lan từng là tâm điểm của những lò giết mổ, buôn lậu chó. Sau những nỗ lực ngăn chặn của chính quyền, ngày nay phần lớn công nhân làm thuê cho những lò mổ này đã bỏ nghề, quay về làm nông.
Nhiều nước có ăn thịt chó khác như Thụy Sĩ, Ấn Độ, Đông Timor, Nigeria, Triều Tiên, Philippines, Burkina Faso, Ghana... cũng đang lan rộng phong trào bài trừ thịt chó, nhen nhóm bởi các nhóm bảo vệ quyền động vật ngày càng lôi cuốn đông đảo các thành phần xã hội gia nhập.
Mới đây, ngày 12/9/2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo ở Mỹ, do 2 hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đề xuất. Một trong những điều khoản của dự luật quy định việc giết mổ, vận chuyển, mua bán chó, mèo hoặc biếu tặng bộ phận cơ thể của chúng làm thực phẩm là bất hợp pháp, với mức phạt đề nghị tới 5.000 USD. Nhà Trắng cũng đã chuẩn y nghị quyết thúc giục các quốc gia khác được vận động cấm người dân ăn thịt chó được Quỹ Pháp lý Hội Bảo vệ Động vật nhiệt liệt hoan nghênh.
Từ đầu năm 2018, hai thành phố tiêu thụ nhiều thịt chó nhất nước ta là Hà Nội và TPHCM đã bắt đầu phát động bài trừ thịt chó bằng công văn vận động những người kinh doanh thịt chó mèo chuyển đổi ngành nghề, vận động cán bộ đảng viên đi đầu làm gương từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, cùng cộng đồng phòng chống bệnh dại và nhiều loại bệnh truyền nhiễm liên quan.
Lập tức, diễn đàn của các hội yêu chó mèo nồng nhiệt hưởng ứng, vận động toàn dân ủng hộ chủ trương bài trừ thịt chó. Không chỉ trong giới chay trường mà cả những người thuộc phe ăn mặn cũng ra sức kêu gọi phải coi chó là bạn quý, là thú cưng. Tất nhiên cuộc cách mạng nào cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Dân nhậu người ngấm ngầm, kẻ lên mạng công khai phản đối. Nào khêu gợi “hễ nghe ai nhắc gì tới chó cũng vẫn cứ thấy thèm, nhất là thịt luộc rau mơ chấm mắm tôm”; nào lý sự “nếu con người không ăn thịt chó, thì hàng trăm tấn chó sẽ bỏ đi đâu? ”...
Thực tế, đình đám cỡ như “phố chó Nhật Tân” mà còn phải lẳng lặng biến mất và số hàng quán “Mộc tồn”, “Cầy tơ”, “Chó tươi” trên mọi nẻo đường đất nước đang dần dà vắng bóng, cho thấy dù đám đông nghiện thịt chó tới cỡ nào đi nữa thì bài trừ thịt chó vẫn cứ là xu thế khó cưỡng, hợp lý hợp tình, khả thi và tất yếu.